'Đánh thức' không gian công cộng của Thủ đô
Với lịch sử lâu đời, Hà Nội đang sở hữu một “kho tàng” không gian công cộng có giá trị văn hoá đặc biệt. Tuy nhiên, theo thời gian, những không gian công cộng đang đứng trước nguy cơ bị chiếm dụng, hay bị bỏ quên, trong khi quỹ đất dành cho sân chơi, không gian nghệ thuật lại đang rất thiếu.
Thách thức thời kỳ đô thị hóa
Sau hơn 30 năm đổi mới, diện mạo Thủ đô Hà Nội ngày càng thay đổi. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được về tăng trưởng kinh tế vẫn có những góc khuất, đó là không gian công cộng đang bị xuống cấp. Cụ thể, công viên bị các nhà hàng, khách sạn bủa vây, lấn đất. Vỉa hè cũng bị chiếm dụng làm bãi đậu xe, bán hàng. Các khu tập thể cũ từng là “niềm kiêu hãnh” một thời nay đã xuống cấp, sân chơi, vườn hoa bị lấn chiếm. Ngay cả lối lên xuống, cầu thang ở các khu tập thể cũng trở thành quán nước, quán bia, quầy tạp hóa…
TS Trần Hậu Yên Thế (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, những không gian đô thị, vì lý do nào đó mà bị bỏ quên, bị biến dạng, bị chiếm dụng thành những không gian ít người qua lại và thành sở hữu tư nhân. Không gian bị bỏ quên ở các đô thị tiềm ẩn những bất an cho cộng đồng, trở thành nơi tập kết rác, tụ điểm của tệ nạn xã hội.
Minh chứng rõ nhất là khu vực Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là khu vực bị “ngủ quên” trong các bản quy hoạch phát triển của TP Hà Nội. Trong suốt một thời gian dài, địa bàn này thường xuyên diễn ra tệ nạn xã hội. Người dân sở tại rất ngại đi qua đây khi đêm xuống. Khu Phúc Tân vì thế như một mảnh đất hoang bị bỏ quên.
Cùng cảnh ngộ, các khu nhà tập thể, với quá trình đô thị hóa cũng đang đối mặt với vô vàn thách thức. Đơn cử như khu vực sân chơi cộng đồng ở các khu tập thể luôn là “điểm đến” cho các hình thức nghệ thuật biểu diễn, giao lưu giữa những người dân sinh sống trong khu vực thì nay những sân chơi này đang bị “bủa vây” bởi các hàng quán lộn xộn. Theo KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, trong mỗi khu dân cư đông đúc, tìm ra một chỗ đủ rộng cho người cao tuổi thư giãn không dễ. Khoảng sân cho lũ trẻ đá cầu, đá bóng hay tập xe đạp thật hiếm. Các bà, các cô tìm nơi ngồi hóng mát, bàn tán đôi ba câu chuyện cũng lấy đâu ra. Hay là lối sống đã thay đổi, nhu cầu không gian giao tiếp sinh hoạt chung với nhau trong cộng đồng dân cư đã không còn?
Gắn kết các sản phẩm văn hóa
Thực tế cho thấy, những không gian công cộng với nhiều người dân Hà Nội đó là cả một “bầu trời” ký ức. Để khơi dậy những ký ức đẹp đẽ đó, thời gian qua những không gian công cộng đã được nhà quản lý nỗ lực thay hình đổi dạng dưới “phép màu” nghệ thuật. Sau những lần mở rộng vào năm 2014 và 2016, không gian Phố đi bộ Hồ Gươm đã tạo ra những hiệu ứng đặc biệt cho quận Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung trên mọi phương diện: Sức hút văn hóa, quảng bá hình ảnh và giá trị kinh tế.
Với dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, không thể phủ nhận đã thay đổi chất lượng cuộc sống của cộng đồng người dân nơi đây. Những ai đến với khu Phúc Tân giờ đây không khỏi ngạc nhiên, từ sáng đến khuya luôn có người qua lại vui chơi, tập luyện thể dục thể thao. Bản thân người dân Phúc Tân cũng thực sự tự hào vì dự án nghệ thuật này đã thay đổi những định kiến của người dân trong phố với người dân nơi đất bãi, bờ vở. Đây cũng là dự án nhận được nhiều sự quan tâm của các phương tiện truyền thông báo mạng, báo giấy, báo hình. Dự án này cũng nhận được nhiều bình luận tích cực từ giới học thuật trong và ngoài nước.
Hay mới đây MV của Trúc Nhân được quay tại 43 Vọng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm cũng đã khiến nhiều người bồi hồi. Ngay sau khi MV “Thật bất ngờ” ra mắt, cộng đồng mạng đã có nhiều lợi khen về chất lượng nghệ thuật, sự tham gia của cộng đồng người dân và cách xử lý bối cảnh không gian nhà tập thể. Đặc biệt, với cư dân khu tập thể trong MV, hình ảnh những người hàng xóm, góc bản tin, cầu thang hành lang, quần đùi áo may ô khô phơi dọc ngang trên lối vào dù chỉ hiện vụt hiện qua vài giây hình nhưng sẽ làm kỷ niệm khó quên. Sự tham gia diễn xuất của cư dân khu tập thể thủy lợi này cũng góp phần không nhỏ đem đến hiệu ứng thân thương bình dị cho MV. Ngoài ra, còn có thể kể đến sự góp mặt của sân khấu thể nghiệm cũng khi chọn sân chơi khu tập thể làm sàn diễn. Đơn cử như vở “Sơn hậu Beyond the Mountain” của Nguyễn Quốc Hoàng Anh và Hà Nguyên Long được trình diễn tại khu tập thể Văn Chương…
Thực tế cho thấy, mặc dù các dự án nghệ thuật tham gia kiến tạo chất lượng sống, đánh thức các không gian bị quên lãng ở Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa nhiều. Đã đến lúc vấn đề xây dựng và quản lý không gian công cộng cần được đẩy lên một tầm cao mới, đòi hỏi một sự nhìn nhận nghiêm túc từ phía các nhà quản lý cho đến người dân. Ở đó, mọi hoạt động liên quan đến chuyên môn mỹ thuật, cho dù diễn ra nhỏ lẻ trong một cộng đồng dân cư hay rộng hơn là cả một đô thị, cần được xây dựng trên một nền tảng ý thức và quy định chặt chẽ, đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, để cộng đồng thiết kế có thêm hứng thú, động lực sáng tạo nhiều hơn không gian công cộng độc đáo, ngoài những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, cần nâng cao vai trò tham gia của người dân, chủ thể của không gian công cộng.