Coi chừng hỏng mắt vì chữa theo mẹo dân gian
Thông tin từ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, gần đây bệnh viện tiếp nhận trường hợp bé trai (8 tuổi, ở Cao Bằng) bị mất thị lực do mẹ chữa bệnh bằng cách nhỏ sữa vào mắt.
Bệnh nhi được đưa vào viện trong tình trạng nhiễm trùng mắt trái nặng. Gia đình kể lại rằng, trong lúc nghịch que sắt với bạn, bé không may bị que đâm vào mắt. Sợ bị mẹ mắng, bé giấu không dám nói, mắt cũng chỉ bị chảy rất ít máu và vẫn còn nhìn thấy mờ mờ.
Sáng hôm sau, thấy mắt con sưng, ra gỉ nhiều, học theo quan niệm dân gian, mẹ của bé đã vội vàng đi xin sữa mẹ của hàng xóm về nhỏ vào mắt cho con. Tuy nhiên, đến buổi chiều, mắt bé sưng nặng hơn kèm chảy dịch màu hồng. Sau đó, mắt bé đã hoàn toàn không nhìn thấy gì.
Lúc này, bố mẹ bé mới sợ hãi đưa con đi bệnh viện, nhưng tình trạng mắt của bé bị nhiễm trùng nặng buộc phải chuyển bệnh viện chuyên khoa mắt. Bác sĩ kết luận, bé đã bị mất hoàn toàn thị lực mắt trái, buộc phải phẫu thuật bỏ mắt.
BS Mai Thị Anh Thư – Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) thông tin: “Bệnh nhân bị chấn thương do vật nhọn đâm trực tiếp, cộng thêm việc nhỏ sữa mẹ vào mắt, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật xâm nhập, trở nên nặng hơn. Bệnh nhân lại không được cứu chữa kịp thời dẫn tới mất hoàn toàn thị lực”.
Thực tế, việc dùng sữa mẹ nhỏ vào mắt cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ để chữa viêm mắt là quan niệm dân gian. Nhiều bà mẹ vẫn cho rằng, nhỏ sữa mẹ vào mắt có khả năng điều trị hiệu quả trong các trường hợp nhiễm trùng mắt như viêm kết mạc. Tuy nhiên, trong y học, mẹo này không thể chữa khỏi bệnh mà có thể khiến trẻ gặp phải các vấn đề về mắt nguy hiểm hơn.
“Các nghiên cứu khoa học không khẳng định tính hiệu quả của việc nhỏ sữa mẹ trong điều trị các bệnh viêm nhiễm ở mắt. Thậm chí có nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc nhỏ sữa mẹ làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng. Và từ đó dẫn đến các biến chứng như viêm loét giác mạc, viêm nội nhãn, gây mất hoàn toàn thị lực và bắt buộc phải bỏ hoàn toàn mắt như bệnh nhi nói trên” - BS Thư khẳng định.
Đáng lo ngại hơn, với sự bùng phát của dịch đau mắt đỏ, lợi dụng tâm lý hoang mang của người dân, hàng loạt các biện pháp chữa mẹo tưởng chừng như đã đi vào quên lãng nay lại được không ít người dân lan truyền và tin tưởng làm theo, dẫn tới những trường hợp phải nhập viện vì biến chứng nặng nề.
Sau khi con bị đau mắt đỏ, chị Thu Hằng (Hoài Đức, Hà Nội) đã lên mạng hỏi người quen xin thuốc nhỏ và mua thêm lá trầu không về đắp mắt cho con. Sau 3 ngày, mắt bé có dấu hiệu đỏ nặng hơn, giả mạc nhiều. Chị Hằng cho con đi khám. Bác sĩ cho biết, bé bị biến chứng do điều trị đau mắt đỏ sai cách, phải bóc giả mạc.
Theo BS Hoàng Cương - Phó trưởng ban Truyền thông (Bệnh viện Mắt Trung ương), chưa có nghiên cứu khoa học, hay bài thuốc nào chứng minh rằng nước tiểu dùng để “chữa” đau mắt đỏ. Đây là thông tin phi khoa học.
Chưa kể, thành phần của nước tiểu là urê, muối, đặc biệt vi khuẩn. Việc dùng nước tiểu để nhỏ mắt đang viêm giác mạc cấp sẽ càng khiến bội nhiễm nặng hơn do nhiễm khuẩn.
Bên cạnh đó, chữa đau mắt đỏ bằng cách nhỏ sữa mẹ, hay xông, đắp lá trầu không, diếp cá, dùng nước smart A nhỏ vào mắt… cũng phản khoa học, người bệnh cần tránh xa các thông tin trên mạng xã hội.
Phân tích việc dùng lá trầu không để xông khi bị đau mắt đỏ, TS.BS Đặng Xuân Nguyên - Hội Nhãn khoa Việt Nam cho hay, cách này có thể khiến người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu vì tinh dầu nóng có trong loại lá này.
Tuy nhiên, sau đó mắt sẽ càng phù nề do đang tổn thương lại thêm hơi nóng, có thể gây bỏng giác mạc, loét giác mạc, khiến nhiễm khuẩn nặng hơn. Tương tự, đắp nha đam, lá diếp cá vào mắt có thể làm dịu mát hơn, nhưng không thể lường trước có loại vi khuẩn trong đất nếu thâm nhiễm, sẽ gây bội nhiễm. Thực tế, đã có nhiều trường hợp gặp biến chứng, khó phục hồi.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, có nhiều bệnh nhân tự điều trị khi đau mắt đỏ đã gặp biến chứng loét giác mạc, có giả mạc, thậm chí giảm thị lực, nguy cơ mù… Vì vậy, khi bị đau mắt đỏ, người bệnh không tự ý nhỏ thuốc hay sử dụng phương pháp mẹo dân gian, cách chữa phản khoa học trên mạng, hãy đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt thăm khám, sử dụng thuốc theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ.