Giáo dục kỹ năng sống trong trường học: Tránh hình thức

Lâm An 14/10/2023 14:00

Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPT) chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em biết vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống đặt ra trong cuộc sống và học tập. Đây cũng là nội dung được ngành giáo dục quan tâm triển khai trong những năm qua theo nhiều hình thức ở các trường học.

Học sinh trường Tiểu học Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội) tham gia thực tập phương án phòng cháy chữa cháy. Ảnh: NTCC.

Yêu cầu từ thực tiễn

Ngày 9/10, tại Trường Tiểu học Đồng Mai I (Hà Đông, Hà Nội) xảy ra vụ hỏa hoạn tại phòng thư viện. Ngay sau khi phát hiện, cán bộ thư viện đã báo cáo hiệu trưởng nhà trường. Hiệu trưởng đã thông báo tới tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để nhanh chóng tham gia chữa cháy, dập cầu dao điện và báo cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, một số giáo viên đã tổ chức hướng dẫn học sinh di chuyển xuống sân trường để đảm bảo an toàn. Các giáo viên đã lấy toàn bộ bình chữa cháy của nhà trường để dập đám cháy gồm 68 bình và sau 5 phút, đám cháy đã được dập tắt, không gây thiệt hại về người.

Trước đó, vào ngày 13/9, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh của Trường Tiểu học Đồng Mai I vừa được tập huấn phòng cháy, chữa cháy nên khi xảy ra vụ hỏa hoạn, cán bộ giáo viên nhà trường đã bình tĩnh xử lý, đảm bảo an toàn cho cả thầy và trò, đồng thời sử dụng bình chữa cháy của nhà trường có sẵn để dập lửa thành công.

Cũng nhờ những kỹ năng thoát hiểm được dạy ở trường học, một bé trai 10 tuổi đã thoát nạn trong vụ cháy chung cư mini xảy ra tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) vừa qua dù khi đó em chỉ ở nhà một mình.

Rất nhiều những tình huống bất ngờ có thể xảy ra trong cuộc sống đòi hỏi mỗi người cần được trang bị những kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn thiết yếu. Trong đó, với học sinh, trách nhiệm giáo dục của nhà trường bên cạnh việc dạy kiến thức, lễ nghĩa… là trang bị, rèn kỹ năng sống để các em ứng phó với những tình huống nguy hiểm.

Nhận thức rõ điều này, ngành giáo dục những năm qua đặc biệt coi trọng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em mầm non, học sinh cùng với các lĩnh vực giáo dục khác trong nhà trường nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục, đào tạo, phát triển toàn diện con người. Đây cũng là một trong những nội dung của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo hiện nay.

Dẫu vậy, theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) Nguyễn Thị Nhung, qua thực tế khảo sát, kiểm tra tại nhiều địa phương đã bộc lộ một số hạn chế trong việc triển khai các hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường. Cụ thể, chương trình, nội dung, cách thức tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các cấp học ở các trường, các địa phương chưa đồng bộ, thống nhất. Lực lượng giáo viên giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu được tập huấn qua những khóa bồi dưỡng ngắn hạn, thiếu tính toàn diện, chuyên sâu và hệ thống.

Trường linh hoạt, rà soát việc phối hợp với các trung tâm

Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, ngành giáo dục quận đang triển khai kế hoạch phối hợp cùng công an phòng cháy, chữa cháy quận tập huấn trực tiếp cho cán bộ, giáo viên và học sinh tại các nhà trường. Đây là nội dung thường niên được tổ chức hàng năm theo quy định nhằm trang bị, rèn luyện kỹ năng cần thiết cho học sinh, giáo viên.

Trên thực tế, những kỹ năng quan trọng khác như phòng chống bạo lực học đường, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng phòng chống đuối nước… cũng được ngành giáo dục quan tâm triển khai. Đặc biệt, Chương trình GDPT 2018 đã chú trọng lồng ghép, giáo dục kỹ năng sống trong nhiều môn học, nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp. Sở GDĐT Hà Nội nhận định, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa của các trường học trên địa bàn Thủ đô đã dần đi vào nền nếp và đạt được những hiệu quả nhất định. Dù vậy, vẫn còn những khó khăn trong quản lý, đội ngũ giáo viên, sự phối hợp với phụ huynh, gia đình… trong quá trình thực hiện, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Từ phía nhà trường, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, việc trang bị kỹ năng sống được nhà trường thực hiện trong suốt 3 năm học qua các bài giảng, cách giải quyết các tình huống, các khu vực khác nhau. Không chỉ trang bị lý thuyết, nhà trường thiết kế nhiều tình huống để học sinh thực hành, rèn kỹ năng để khi đối mặt với tình huống thật không bỡ ngỡ.

Hiện một số nhà trường liên kết với các trung tâm giáo dục kỹ năng để giảng dạy cho học sinh. Tuy nhiên, đầu năm học 2023-2024, một số địa phương trên cả nước đã có chủ trương tạm dừng việc liên kết dạy kỹ năng sống trong trường học với các trung tâm ngoài nhà trường để rà soát về con người, vật chất, chương trình dạy học cũng như các điều kiện tổ chức khác. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là hành động cần thiết để hoạt động này thực sự đem lại hiệu quả thiết thực cho học sinh.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng Đỗ Thị Hòa cũng bày tỏ trong quá trình quản lý các trung tâm giáo dục kỹ năng sống tại địa phương, ngoài việc đặt ra nhiều tiêu chí khi cấp phép hoạt động, Sở còn thực hiện nghiêm túc kiểm tra, đánh giá hoạt động của các trung tâm thông qua các đợt kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất.

Lâm An