Hoa hậu Hoàn vũ lần đầu có sự góp mặt của hai thí sinh chuyển giới
Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2023 sẽ lần đầu tiên có sự góp mặt của ít nhất hai thí sinh chuyển giới, sau khi tiếp viên hàng không 23 tuổi Marina Machete được vinh danh là Hoa hậu Bồ Đào Nha vào tuần trước.
Cô Machete sẽ tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ lần thứ 72 ở El Salvador vào tháng 11 năm nay cùng với cô Rikkie Kollé, người chuyển giới đầu tiên giành ngôi vị Hoa hậu Hà Lan.
Trong một video được đăng lên kênh YouTube của cuộc thi Hoa hậu Bồ Đào Nha, cô Machete bày tỏ, thật “cảm động” khi thấy Ban Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ đã thay đổi các quy tắc để cho phép các thí sinh chuyển giới tham gia vào năm 2012, mang tính hòa nhập và “phá vỡ các ranh giới”.
“Là một người chuyển giới nữ, tôi đã phải trải qua rất nhiều trở ngại, nhưng may mắn thay và đặc biệt là với gia đình tôi, tình yêu đã tỏ ra mạnh mẽ hơn sự thiếu hiểu biết”, cô Machete bày tỏ trong video.
Nếu một trong hai ứng cử viên chiến thắng, họ sẽ trở thành người phụ nữ chuyển giới đầu tiên đội vương miện cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Năm 2018, cô Ángela Ponce của Tây Ban Nha trở thành thí sinh chuyển giới đầu tiên của cuộc thi nhưng không lọt vào vòng chung kết.
Trong 10 năm qua, Hoa hậu Hoàn vũ, một trong những cuộc thi sắc đẹp được theo dõi nhiều nhất trên thế giới, đã nhận thấy những lời kêu gọi ngày càng tăng về sự đa dạng, đại diện và hòa nhập hơn.
Tổ chức này đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với thí sinh chuyển giới sau khi Jenna Talackova, một thí sinh chuyển giới trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Canada, được ban tổ chức thông báo rằng cô sẽ bị loại vì đã trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính và do đó không đáp ứng được yêu cầu của cuộc thi. Vào thời điểm đó, các quan chức Hoa hậu Hoàn vũ khẳng định, sự thay đổi được thực hiện bất chấp chứ không phải vì hành động pháp lý khi bị luật sư đại diện cho Talackova đe dọa.
Vào năm 2022, Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ đã được mua lại bởi bà trùm truyền thông Thái Lan, người ủng hộ quyền của người chuyển giới Anne Jakkaphong Jakrajutatip với giá 20 triệu USD. Bà Jakrajutatip, đồng thời là Giám đốc điều hành của JKN Global Group, một công ty phân phối truyền thông có trụ sở tại Thái Lan, đã thẳng thắn chia sẻ về trải nghiệm của mình khi là một phụ nữ chuyển giới.
Chia sẻ với CNN hôm 13/10, Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ tuyên bố, họ luôn phát triển và cập nhật các quy định đối với thí sinh và chỉ ra rằng, trong hai năm qua, phụ nữ đã kết hôn và ly hôn, phụ nữ mang thai và phụ nữ có con đã được phép tham gia cuộc thi. Vào năm 2024, Ban Tổ chức cũng sẽ loại bỏ giới hạn độ tuổi (hiện đang hạn chế những người từ 28 tuổi trở lên tham gia).
Tuyên bố cho biết thêm: “Bắt đầu từ năm tới, mọi phụ nữ trưởng thành trên thế giới sẽ đủ điều kiện tranh tài để trở thành Hoa hậu Hoàn vũ”.
Cả Machete và Kollé đều sử dụng nền tảng của mình để thúc đẩy tầm nhìn toàn diện hơn về các cuộc thi sắc đẹp và khuyến khích người khác cảm thấy được truyền cảm hứng.
Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ được tổ chức lần đầu vào năm 1952, chấm điểm thí sinh dựa trên nhận xét cá nhân và phỏng vấn chuyên sâu, cũng như phần thi trang phục dạ hội và đồ bơi. Năm nay, gần 90 phụ nữ từ khắp nơi trên thế giới sẽ tranh tài trong cuộc thi này.