Kiểm soát làn sóng di cư và hiệu ứng domino

THẾ TUẤN 15/10/2023 08:06

Trước làn sóng di cư bất hợp pháp ngày càng tăng, nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) cũng như các quốc gia trong khu vực miễn thị thực Schengen đã nối lại hoạt động kiểm soát tại biên giới nội địa châu Âu.

Hàng rào dây thép gai dọc biên giới Ba Lan – Belarus. Ảnh: Reuters.

Gia tăng làn sóng người di cư bất hợp pháp

Trong một công bố mới đây, Cộng hòa Czech cho biết sẽ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên tại biên giới với Slovakia, vì lo ngại sau quyết định của Ba Lan sẽ gây ra "hiệu ứng domino" ở khu vực Trung Âu. “Chúng tôi phải phản ứng tích cực, nếu không, tất cả các dòng di cư bất hợp pháp sẽ di chuyển sang Czech” - Bộ trưởng Nội vụ nước này, Vit Rakusan, nói.

Trong khi đó, Chính phủ Áo đã quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới với Slovakia được đưa ra ngay sau quyết định của Cộng hòa Czech.

Bộ trưởng Nội vụ Áo Gerhard Karner nói: “Chúng tôi làm điều này vì chúng tôi biết từ kinh nghiệm trước đây rằng những kẻ buôn lậu phản ứng rất nhanh sau những biện pháp kiểm soát như vậy và thay đổi tuyến đường cơ động. Chúng tôi sẽ đấu tranh quyết liệt với điều đó và chặn các tuyến đường thay thế có thể đi qua Áo”.

Trái lại, Thủ tướng lâm thời Slovakia Ludovit Odor cảnh báo: “Nếu một quốc gia bảo vệ biên giới của mình nhiều hơn trước người di cư sẽ dẫn đến hiệu ứng lan tỏa mà tất cả chúng ta sẽ phải trả giá”. Dù thế thì Slovakia cho biết họ cũng sẽ tạm thời khôi phục các biện pháp kiểm soát tại biên giới với Hungary, vì từ đầu năm tới ngày 13/10 đã có khoảng 40.000 người di cư không có giấy tờ, chủ yếu từ Trung Đông, vào nước này qua ngả Hungary.

Việc kiểm soát bao gồm kiểm tra tại chỗ tại các điểm giao cắt đường bộ, đường sắt và đường thủy.

Trong khi đó, Chính phủ Đức cũng tính tới việc kiểm soát biên giới với Ba Lan và Cộng hòa Czech. Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Nancy Faeser đã công bố một loạt biện pháp nhằm hạn chế người di cư xâm nhập trái phép. “Các biện pháp kiểm soát bổ sung phải được kết hợp nhịp nhàng với việc giám sát toàn bộ khu vực biên giới bằng cách kiểm tra ngẫu nhiên” - bà Faeser nói và cho rằng điều quan trọng nhất là phải bảo vệ biên giới bên ngoài EU và điều này chỉ có thể làm được khi có một hệ thống ứng xử với người di cư nói chung. Tính tới giữa tháng 10/2023, số đơn xin tị nạn tại Đức đã tăng 78% so với năm 2022.

Thời gian qua, số người tị nạn đổ dồn tới châu Âu, đặc biệt là Italy và Đức đã trở thành một trong những chủ đề chính được quan tâm ở khu vực này khi đã "chạm ngưỡng giới hạn chịu đựng".

Schengen bị đe dọa

Vào hồi cuối tháng 2 năm nay, hội nghị về quản lý biên giới của EU diễn ra tại Athens (Hy Lạp) đã ra tuyên bố chung kêu gọi kiểm soát và bảo vệ biên giới bên ngoài của khối. Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các vấn đề nhập cư bất hợp pháp và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Ủy viên châu Âu phụ trách về các vấn đề nội vụ Ylva Johansson nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc bảo vệ biên giới bên ngoài” để tránh EU rơi vào “sự hỗn loạn trước làn sóng người nhập cư bất hợp pháp thông qua các nhóm buôn người”.

Trong khi 27 quốc gia thành viên EU chưa đạt được thỏa thuận chung kiểm soát biên giới toàn khối, thì người ta nghĩ tới việc kiểm soát di chuyển trong Schengen - khu vực miễn thị thực của châu Âu. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Schengen đang bị ảnh hưởng khi ngày càng nhiều quốc gia duy trì hoặc tái áp dụng các biện pháp kiểm tra biên giới nội bộ, với lý do lo ngại về làn sóng ngươi di cư hoặc khủng bố.

Năm 1995, châu Âu thành lập khu vực không biên giới - Schengen. Ủy ban châu Âu đã ví đây là khu vực “trái tim không ngừng đập của châu Âu”. Tuy nhiên, trước làn sóng di cư bất hợp pháp, các quốc gia đã xem xét lại chính sách đi lại tự do ở Schengen. Tới nay, bất cứ du khách nào qua lại các quốc gia châu Âu có thể bị dừng lại hơn chục lần do một số quốc gia từ chối duy trì quy định của khu vực Schengen.

Hiện, đi tàu từ Áo sang Đức, người ta đã thấy cảnh sát đã xuất hiện kiểm tra tại biên giới. Còn Pháp đã lắp đặt các trạm kiểm soát ở biên giới của mình - dưới danh nghĩa chống khủng bố. Na Uy không phải là thành viên EU nhưng là một phần của khu vực Schengen cũng đã tiến hành kiểm tra tại các thành phố cảng. Thụy Điển cũng đang kiểm tra tất cả các biên giới của mình.

Khối Schengen là một khu vực gồm 27 quốc gia châu Âu thực hiện chính sách "Khu vực tự do, an ninh, công lý". Khu vực này kể từ năm 1995 đã bãi bỏ kiểm soát quản lý biên giới và hộ chiếu tại đường biên giới chung giữa các quốc gia, cho phép các công dân di chuyển tự do giữa các quốc gia thành viên mà không cần thị thực. Có 23 quốc gia thành viên EU tham gia Schengen, cùng với 4 quốc gia của Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) là: Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ.

Tuy nhiên, cuối cùng thì Schengen - khu vực đi lại tự do ở châu Âu cũng gần như đã “thất thủ” trước làn sóng người di cư bất hợp pháp.

Khu vực Schengen có dân số hơn 423 triệu người, diện tích 4.312.099 km2. Trung bình mỗi ngày có khoảng 1,7 triệu người qua lại biên giới. Schengen từng có tác động tích cực đến hoạt động thương mại, với khoảng 57 triệu lượt vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ mỗi năm, với giá trị 2.800 tỷ euro. Giải thích về việc gần đây một số quốc gia quốc gia tham gia Schengen tăng cường kiểm soát biên giới, TS Sergio Carrera - thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS) có trụ sở tại Brussels, cho biết: “Những gì chúng tôi đang trải qua đơn giản là để ngăn dòng người nhập cư trái phép, cho dù điều đó ảnh hưởng sâu sắc tới cam kết đi lại tự do của Schengen”.

THẾ TUẤN