Băn khoăn ‘phổ cập’ đại học

NGỌC HÀ 15/10/2023 08:06

Việc hơn 40% thí sinh đăng ký thi vào lớp 10 công lập chưa thi đã biết trượt thì ở cấp đại học, học sinh chưa thi tốt nghiệp THPT đã... đỗ đại học với đa dạng các hình thức xét tuyển. Điều này, theo nhiều chuyên gia là đi ngược xu hướng giáo dục thế giới khi “phổ cập” đại học mà bỏ qua “phổ cập” THPT.

Kỳ thi vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 sẽ tiếp tục là một cuộc cạnh tranh giành suất vào trường công lập.

Dễ như... vào đại học

Về hành trình vào đại học (ĐH), theo lời kể của bạn Lê Anh Kiệt hiện đang là sinh viên năm hai của một trường ĐH trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội), truy cập vào hệ thống tuyển sinh của trường, chỉ cần khai báo một số thông tin, trong đó có dữ liệu điểm học bạ là trong ngày đã nhận được tin trúng tuyển bởi xét học bạ THPT là một trong bốn phương xét tuyển sớm của trường ĐH.

Cũng theo nhiều thí sinh, khi chưa kết thúc đợt 1, họ đã nhận được thông báo trúng tuyển (có điều kiện), nghĩa là chỉ chờ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT và xác nhận nguyện vọng xét tuyển vào trường trên hệ thống của Bộ GDĐT là có thể nhập học.

Có thể thấy, từ năm 2015, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH thành một kỳ thi THPT quốc gia, tỷ lệ đỗ ĐH đã tăng lên đáng kể. Thêm vào đó các trường ĐH mở rộng thêm nhiều phương thức xét tuyển nên cánh cửa học ĐH hiện nay chưa bao giờ rộng mở đến thế.

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, theo số liệu công bố của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho thấy, 92,7% số thí sinh trúng tuyển đợt 1 sau lọc ảo trên tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH 2023, tăng 7,9% so với năm 2022. Khoảng 48.000 thí sinh (7,3%) trượt đợt 1 có thể đăng ký xét tuyển bổ sung từ nay đến tháng 12. Hiện nhiều trường thông báo tuyển thêm hàng chục nghìn sinh viên.

Với số lượng nguyện vọng không bị khống chế, nên chỉ cần biết sắp xếp đăng ký nguyện vọng là thí sinh có thể đỗ ít nhất một trường, muốn trượt ĐH cũng khó. Bởi vậy mà học ĐH đã dần dần được gọi là “phổ cập”. Thế nhưng sau tỷ lệ đỗ đại học quá cao còn là hàng loạt bài toán đang chờ lời giải. Học ĐH ra rồi làm gì? Đào tạo cử nhân ra làm thầy hay làm thợ? Hay câu chuyện làm thầy không đến nơi mà thợ lại không đến chốn?

Đi cùng thực tế "ai rồi cũng đỗ đại học" là trách nhiệm của giáo dục ĐH trong việc đào tạo con người, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Trong khi thị trường lao động lâu nay đã phản ánh nghịch lý doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực chất lượng trầm trọng còn sinh viên ra trường lại... thất nghiệp. Có nhiều em là cử nhân ĐH nhưng phải đi làm nghề giúp việc, công nhân, lái xe ôm công nghệ, bán hàng online... gây lãng phí nguồn lực xã hội. Cũng không hiếm trường hợp cử nhân, thạc sĩ quay ngược lại đi học nghề, trung cấp để tìm được việc làm phù hợp.

Cấp 3 trường công chưa khi nào “hạ nhiệt”

Thêm một nghịch lý trong giáo dục hiện nay là ở cấp ĐH, nhiều học sinh có quyền lựa chọn các ngành học, trường học khác nhau thì trước đó chừng hơn 1 tháng, hàng trăm phụ huynh phải thức xuyên đêm xếp hàng trước nhiều cổng trường THPT để giành suất vào lớp 10 cho con.

Thực tế này đang chứng minh một vấn đề rất đáng lo ngại rằng thi ĐH dễ hơn rất nhiều so với thi vào lớp 10 công lập. Câu chuyện tuyển sinh vào lớp 10 ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM vẫn chưa khi nào hạ nhiệt.

Mới đây, Sở GDĐT Hà Nội cho biết, năm học 2024 - 2025, thành phố sẽ tiếp tục triển khai tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập theo phương thức thi tuyển; đồng thời bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh, không để xảy ra điểm nóng trong kỳ tuyển sinh vào các lớp đầu cấp. Theo thống kê của Sở, năm học 2024 - 2025, dự kiến có 134.942 học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT, tăng 5.732 học sinh so với năm học 2023 - 2024. Về quy mô trường THPT công lập, so với năm học 2023 - 2024 (không tính trường công lập tự chủ), năm học 2024 - 2025, dự kiến Hà Nội có 121 trường, tăng 2 trường.

Từ con số trên có thể thấy áp lực để có được suất vào trường công lập sẽ ngày càng căng thẳng, quyết liệt hơn khi số học sinh tăng theo hàng nghìn mà số lượng trường học chỉ tăng ít ỏi.

GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng: “Thi vào lớp 10 mà khó hơn thi ĐH là nghịch lý. Bậc trung học gồm: THPT và trung cấp nghề phải được phổ cập. Học trường công với chi phí thấp là nhu cầu chính đáng của học sinh và phụ huynh khi mà chi phí theo học tại trường tư thục quá cao so với thu nhập của đại đa số các gia đình. Thủ đô là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học lớn của cả nước. Vì vậy, ngành giáo dục cần phát huy bài học kinh nghiệm của ông cha ta, làm sao để giáo dục Thủ đô được đầu tư mạnh mẽ cùng quá trình phát triển của kinh tế xã hội”.

Rất nhiều người đặt câu hỏi, hiện nay, chúng ta đã phổ cập đến bậc THCS rồi, tại sao không phổ cập bậc THPT? Điều đó có nghĩa Nhà nước phải đảm bảo xây đủ trường để tất cả học sinh cứ học xong THCS là lên thẳng THPT, không phải thi tuyển, không phải chạy đua làm gì cho khổ. Phải đảm bảo quyền đi học THPT công lập cho mọi học sinh.

Tuy nhiên, chúng ta đã có những chính sách phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS để đảm bảo phục vụ cơ cấu nguồn lao động cho đất nước. Năm 2018, Chính phủ có Đề án phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Thế nhưng khi nhìn lại việc để những học sinh vừa tốt nghiệp THCS đi học nghề ngay có thực sự là hợp lý?

Theo TS Vũ Thị Minh Huyền (Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam), lẽ ra, đối với các em học sinh ở lứa tuổi 15 (thi vào lớp 10), còn non nớt, chúng ta nên mở rộng cánh cửa học tập. Bởi các em còn quá nhỏ, nếu thi trượt hết các nguyện vọng, không có trường nào để học, các em chỉ có bằng tốt nghiệp cấp hai thì không thể xin được việc làm như các em đã tốt nghiệp cấp ba. Học sinh không được học, không xin được việc làm thì gánh nặng lại đè lên vai phụ huynh.

“Tất nhiên, với các em thi trượt lớp 10 công lập còn có thể đợi kỳ thi năm sau hoặc chọn các loại hình trường khác để học như: Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở địa phương; trường trung cấp nghề; trường tư thục. Nhưng tôi nghĩ rằng, tất cả các em học sinh đều nên có cơ hội được học tập như nhau. Chỉ những em nào thực sự xuất sắc thì nên thi vào các trường chuyên của Sở và của Bộ. Nếu có thể làm được như thế thì chắc rằng sẽ không còn nhiều gia đình phải rơi nước mắt vì con thi trượt lớp 10 công lập, vì không có tiền cho con theo học trường tư, vì con còn quá nhỏ đã phải cho đi học nghề, vì con phải học lại thêm một năm để thi lại lớp 10... Sẽ không còn những áp lực nặng nề đè nặng lên vai các em học sinh và các phụ huynh mỗi khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuẩn bị đến”, TS Huyền nêu quan điểm.

NGỌC HÀ