Thổ cẩm Hoa Tiến vươn ra thế giới
Người dân bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đang từng bước khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống, gắn với quảng bá sản phẩm. Nhờ vậy, những tấm thổ cẩm Hoa Tiến ngày càng vươn xa ra thị trường quốc tế.
Hoa Tiến được xem là cái nôi của nghề dệt thêu thổ cẩm của người Thái ở huyện Quỳ Châu. Trước đây, mỗi hộ dân trong làng đều có khung cửi làm ra những sản phẩm thổ cẩm nhiều mẫu mã, hoa văn tinh tế tạo nên nét đẹp văn hóa riêng. Các sản phẩm của bà con bản Hoa Tiến được người dân trong vùng rất ưa chuộng. Tuy nhiên qua thời gian, nghề dệt thổ cẩm dần mai một, bà con chỉ làm đủ để sử dụng.
Nghệ nhân Lương Thị Luyên (59 tuổi), trú tại xã Châu Bính, huyện Qùy Châu, một thợ dệt thổ cẩm giỏi vùng đất phủ Quỳ tâm sự: Nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến đã có từ xa xưa, nét độc đáo của thổ cẩm Hoa Tiến là bảo tồn những giống tằm địa phương cùng quá trình canh tác dâu, trồng bông thủ công. Bà con nơi đây biết sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên từ cây, củ, quả có sẵn trong vườn, trong rừng để chế thuốc nhuộm màu. Đến nay, Hoa Tiến đã chế được 52 màu để nhuộm cho nhiều chất liệu (vải tằm thô, lụa, vải bông...). Bên cạnh đó, người Thái ở Hoa Tiến còn bảo lưu kỹ thuật dệt - nhuộm với độ tỉ mỉ và hoàn thiện cao của kỹ thuật dệt ikat, tạo ra các hoa văn độc đáo trên các tấm vải, khăn.
Nói về thổ cẩm Hoa Tiến, nghệ nhân Sầm Thị Bích (62 tuổi) nhớ lại: “Nghề dệt thổ cẩm tại bản Hoa Tiến có từ thời xa xưa, khi tôi lớn lên, đã thấy bà tôi, mẹ tôi dệt thổ cẩm. Và theo các vị già làng trong bản, thổ cẩm Hoa Tiến đã có hàng trăm năm nay”. Cũng theo bà Bích, nghề dệt thổ cẩm dần bị mai một bởi sự tràn ngập của các loại vải công nghiệp giá rẻ, mặt khác thổ cẩm cũng chưa được khuyến khích và bảo tồn.
Rất mừng là khoảng 10 năm nay thổ cẩm Hoa Tiến dần được “đánh thức”, các ngành chức năng đầu tư hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật nhuộm tơ và cải tiến mẫu mã chất lượng hàng hóa... Người Thái ở Hoa Tiến đã đưa ra thị trường hàng trăm sản phẩm phong phú, đa dạng. Từ thổ cẩm tấm, quần áo, ga trải giường, khăn trải bàn cho đến những chiếc cặp, ví, cà vạt... Làng nghề hồi sinh, phụ nữ Hoa Tiến đã có việc làm trong lúc nông nhàn. Ở lễ hội Hang Bua, Thẩm Ồm... những sản phẩm này đã trở thành hàng lưu niệm có ý nghĩa, được khách du lịch ưa chuộng.
Ngay tại nhà nghệ nhân Sầm Thị Bích, các bộ trang phục truyền thống của người Thái được trưng bày để du khách tham quan. Đặc biệt nhất vẫn là hai khung cửi luôn thường trực để du khách có thể trải nghiệm quá trình dệt vải, làm ra những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống. Ngoài ra bà Bích còn dựng thêm một khu vực để khách thưởng thức các món ăn truyền thống. Khu vực này còn được chủ Homestay đặt với cái tên thú vị “Ở đây có bán niềm vui”.
Để lưu giữ được du khách, bản Hoa Tiến dựng lên một bảo tàng mang tên Pỉ Noọng, lưu giữ hàng trăm hiện vật quý, những chiếc áo váy của người Thái cổ. Nghệ nhân Sầm Thị Bích chia sẻ: “Pỉ Nọng” trong tiếng Thái có nghĩa là anh em. Vì thế đồ dùng, các vật phẩm của tất cả các dân tộc anh em đều có thể lưu giữ tại đây. Đặc biệt, trong đó có một bộ váy áo truyền thống của người Thái lưu truyền suốt hơn 120 năm qua. Bà Bích cho biết thêm, bộ váy áo này trước đây là của cụ cố Viên, vợ của quan tri phủ tại địa phương để lại. Bộ váy áo được dệt từ lụa tơ tằm, có đủ những nét họa tiết, hoa văn đặc trưng trên váy áo người Thái. Đến nay, các họa tiết trên váy áo vẫn còn nguyên vẹn, từng chiếc khuy áo vẫn đầy đủ. Du khách đến đây luôn trầm trồ trước bộ váy áo độc đáo này.
Không những vậy, người dân bản Hoa Tiến còn tìm cách đưa thổ cẩm vươn sang một số nước châu Âu; các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… Nghệ nhân Sầm Thị Bích cho biết: Khi thổ cẩm Hoa Tiến hồi sinh, người dân đã nghĩ cách đưa sản phẩm ra nước ngoài. Thậm chí, kết hợp với du lịch cộng đồng, Homestay nhằm giới thiệu cho du khách đến Hoa Tiến biết về thổ cẩm. Năm 2022, tổng doanh thu từ du lịch cộng đồng, bán các sản phẩm truyền thống giúp bà con bản Hoa Tiến thu về 1,2 tỷ đồng.