Vé máy bay Tết 2024: Hết thời săn giá rẻ

HẠNH NHÂN 15/10/2023 08:16

Nếu như vào thời điểm này những năm trước, nhiều người bắt đầu săn vé máy bay giá rẻ khi các hãng bắt đầu mở bán vé Tết thì năm nay vừa tung ra giá vé đã neo cao ngất ngưởng. Theo khảo sát, ở đường bay "hot" nhất, cũng là chặng có số lượng chuyến bay nhiều nhất TPHCM - Hà Nội vào những ngày cao điểm Tết, không có chuyến bay nào giá dưới 3 triệu đồng/chiều. Giá vé thấp nhất của hãng hàng không Vietjet nhằm ngày 27 tháng Chạp (6/2/2024) đã gần 3,3 triệu đồng/chiều. Giới chuyên gia đang lo ngại kịch bản giá vé máy bay sẽ lặp lại như kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua.

Giá vé máy bay nội địa đắt đỏ, khách hàng phải lựa chọn phương án tối ưu khiến cả ngành du lịch và hàng không đều đứng trước nguy cơ ế ẩm. Ảnh: Quang Vinh.

Chưa thể “chốt” vé tết

Vé máy bay Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được các hãng hàng không mở bán từ rất sớm. Hiện các hãng bay tại Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vasco đã tung ra hơn 6 triệu vé để khách đặt mua trên website hoặc các kênh khác. Dù vậy, giá vé mùa tết rất đắt đỏ. Giá vé cao không chỉ khiến hàng nghìn công nhân, người lao động phải đắn đo khi đặt vé về quê ăn tết mà nhiều khách du lịch lên kế hoạch cho kỳ nghỉ tết cũng phải suy đi tính lại khi đặt vé.

Theo ghi nhận, giá vé máy bay khứ hồi Tết Nguyên đán sắp tới trên một số chặng bay được bán với mức 3,7 - 6 triệu đồng/vé tùy hãng, thời điểm bay và ngày bay (đã gồm thuế, phí). Cá biệt, có những chặng bay như Hà Nội - Phú Quốc giá cao ngất ngưởng, dao động từ 6 triệu đến hơn 8 triệu đồng/vé khứ hồi. Chặng bay Hà Nội - Nha Trang của Vietjet Air có giá 4.567.000 đồng; Bamboo Airways: 6.400.000 đồng và Vietnam Airlines: 6.929.000 đồng. Trong khi đó chặng bay Hà Nội - Đà Lạt của Vietjet Air có giá 4.416.000 đồng; Bamboo Airways: 5.644.000 đồng và Vietnam Airlines: 6.024.000đồng.

Chặng bay rẻ nhất là Hà Nội - Cần Thơ đi ngày 11/2/2024 (tức mùng 2 Tết) và chặng về ngày 18/2/2024 (tức mùng 9 Tết) của Vietjet Air có giá chỉ 2.969.000 đồng; Vietnam Airlines: 2.795.000 đồng; cao nhất thuộc về Bamboo Airways: 4.390.000 đồng. Trong khi đó, chặng Hà Nội - TPHCM của Vietjet Air là 5.496.000 đồng; Vietravel Airlines: 5.850.000 đồng; Bamboo Airways: 5.904.000 đồng và Vietnam Airlines: 6.487.000 đồng và chiều đi của Pacific Airlines, chiều về của Vietnam Airlines có giá 7.250.000 đồng.

Thành thông lệ, khoảng tháng 10 chị Nguyễn Cẩm Tú (quận Tân Bình, TPHCM) lại lên mạng “săn” vé máy bay giá rẻ để vợ chồng chị và 2 con nhỏ ra Hà Nội đón tết cùng gia đình. Vào thời điểm này mọi năm, người mua sớm thường có giá vé rẻ hơn từ 10-15% bởi các hãng sẽ tung ra những gói ưu đãi dành cho người mua sớm nhất. Tuy nhiên, năm nay thì thật bất ngờ. “Hiện tôi chưa quyết định mua vé vì có thể các hãng sẽ giảm giá những ngày cận tết, như dịp lễ 30/4 vừa rồi những người mua sớm than trời vì quá thiệt thòi vì tới gần kỳ nghỉ thì giá vé đồng loạt giảm. Bởi thế tôi sẽ chờ thêm một hai tuần nữa mới có thể “chốt” vé”, chị Tú cho biết.

Chọn đi du lịch trong dịp Tết năm nay nhưng anh Trần Việt Hùng (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng đang đau đầu vì giá vé máy bay ở các điểm đến gia đình yêu thích như: Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng… đều khá “chát”. Chặng bay như Hà Nội - Phú Quốc mùa tết 2024 cao gấp 3 lần so với ngày thường và cao hơn 2 triệu đồng so với cùng thời điểm Tết năm ngoái. Do đó phương án 2 của gia đình là có thể sẽ chọn tour du lịch nước ngoài với mức giá tương đương hoặc có thể chi phí sẽ rẻ hơn.

Rõ ràng, tình trạng vé máy bay "nhảy múa" bất thường, trước mùa lễ neo ở mặt bằng rất cao nhưng đến sát lễ lại "hạ nhiệt" như đã xảy ra trong mùa cao điểm 30/4 và mùa hè vừa qua đã khiến hành khách thận trọng hơn khi quyết định. Không ít người còn đặt nghi vấn các hãng "chơi chiêu" mở bán sớm nhưng khóa dải giá vé rẻ để "ép" khách mua vé giá cao. Vì thế, dù đại diện các hãng hàng không vẫn khẳng định giá vé bán luôn được mở linh hoạt theo tình hình thị trường với đa dạng các mức giá và tuân thủ quy định giá trần nội địa thì người tiêu dùng vẫn không mặn mà "chốt" vé máy bay tết sớm.

Giá vé máy bay đang tăng khiến nhiều người bị đội chi phí về quê đón Tết.

Nguy cơ du lịch nội địa ế ẩm

Dù vậy, theo giới chuyên gia nhận định, người dân không thể ngồi chờ vé máy bay giảm. Ngay từ thời điểm này, nhiều người đã lên kế hoạch hoặc chọn các tour nước ngoài chi phí tương đương hoặc thấp hơn. Còn người về thăm thân cũng sẽ phải tính toán, thay đổi kế hoạch thay bằng việc về quê thì họ sẽ gửi quà biếu, gửi tiền hoặc chọn phương tiện khác. Do đó, tình trạng giá vé máy bay nội địa tăng cao trong dịp Tết là điều đáng lưu ý, không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch của người dân, mà còn ảnh hưởng đến ngành hàng không và ngành du lịch Việt.

Theo ông Trần Thế Dũng - Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Vietluxtour, giá vé máy bay dịp Tết cao hơn so với bình thường bởi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. “Tuy nhiên, nếu giá vé cao quá sẽ dẫn đến nhiều điểm đến nổi tiếng của Việt Nam rơi vào cảnh ế ẩm. Giá vé cao ngất ngưởng khiến du khách không dám đi chơi, hoặc có đi thì đổi địa điểm gần, chọn phương tiện khác như tàu hỏa, thuê xe hoặc sử dụng xe cá nhân... Mặt khác, nếu giá vé trong nước cao quá, nhiều du khách sẽ lựa chọn chuyển hướng du lịch trong nước sang các nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Malaysia... với mức giá cao hơn trong nước không đáng kể. Giá tour trọn gói chỉ 8-10 triệu đồng, bay hàng không 4-5 sao, hành trình 4 ngày với điểm tham quan lý thú, khách sạn trung tâm, ăn uống tốt, dịch vụ chuyên nghiệp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của các hãng hàng không, mà còn ảnh hưởng đển các công ty du lịch lữ hành, dù các công ty du lịch lữ hành đã có kế hoạch đặt vé máy bay trước cả nửa năm trời”, ông Dũng khuyến cáo.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia Bùi Quốc Việt - nguyên thành viên Hội đồng tư vấn độc lập của Hiệp hội lữ hành Châu Á - Thái Bình Dương bày tỏ: Hậu quả của vé máy bay giá cao không dừng lại ở việc nhu cầu sụt giảm trong các đợt lễ, tết, mà chính các đơn vị lữ hành, dịch vụ du lịch đang phải chịu trận. Vé máy bay thường chiếm khoảng 30-40% trong giá tour. Việc tăng giá vé đồng nghĩa các doanh nghiệp phải đẩy giá tour lên để đảm bảo chi phí. Do đó nhiều khách “hủy kèo”. Tiếp đến là tâm lý “sợ” du lịch, khi xu hướng này nếu lan rộng sẽ ảnh hưởng nặng nề tới nguồn thu các địa phương cũng như rộng hơn là nền kinh tế. Đặt trường hợp vì giá vé máy bay quá cao, các gia đình chuyển sang du lịch bằng phương tiện đường bộ, điều đó làm ảnh hưởng tới hàng loạt ngành nghề, dịch vụ liên quan. Và khi sức hấp dẫn của những sản phẩm du lịch nội địa giảm sút, năng lực cạnh tranh về điểm đến cũng như hình ảnh du lịch Việt sẽ bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh các nước đẩy mạnh phát triển du lịch, Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn để thu hút du khách.

Có thể nói câu chuyện giá vé máy bay đắt đỏ vào mỗi dịp lễ tết không còn là câu chuyện cá biệt mà là bài toán cần sớm có lời giải vì sự phát triển bền vững, ổn định của ngành du lịch. Nhiều ý kiến bày tỏ, giá vé máy bay tới các điểm đến du lịch cao bất thường có thể ví như một bước lùi của du lịch nội địa. Nếu không được cải thiện, nguy cơ dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi của ngành du lịch là hoàn toàn có thể xảy ra.

PGS.TS, chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống: Điều chỉnh giá vé, tránh tình trạng ế ẩm

Giá vé máy bay nội địa tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường trong dịp cao điểm Tết là điều không bất ngờ, bởi các hãng phải tính toán cân đối đường bay, vì vận tải nói chung, vận tải hàng không nói riêng dịp Tết chỉ đầy một chiều, chiều còn lại cơ bản là ghế trống.

Cùng với đó, các hãng hàng không đang thực hiện bán vé theo cơ chế thị trường và tuân thủ các quy định, đồng thời có sự cạnh tranh về giá vé giữa các hãng bay, đường bay.

Nếu giá vé máy bay cao quá, chắc chắn người dân sẽ hạn chế đi du lịch, còn người về thăm thân cũng sẽ phải tính toán, thay đổi kế hoạch. Các hãng bay cũng nên cân nhắc mức giá phù hợp để kích cầu người dân đi lại, bởi nhu cầu thăm thân, về quê đón tết là nhu cầu cần thiết. Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh còn nhiều khó khăn, thu nhập hạn chế, nếu giá vé cao quá người dân sẽ hạn chế đi lại dẫn đến tình trạng ế ẩm như kỳ nghỉ hè và dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua khiến các hãng bay thất thu. Bên cạnh đó, giá vé nội địa quá cao, nhiều du khách chuyển sang lựa chọn các tour du lịch nước ngoài với chi phí tương đương hoặc thấp hơn. Điều này khiến không những ngành hàng không mà cả ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, chắc chắn các hãng sẽ có sự tính toán, điều chỉnh để tránh tình trạng ế ẩm.

Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB): Cần sự “bắt tay” giữa hàng không và du lịch

Các hãng hàng không vừa mở đợt bán vé Tết trong đó nhiều chặng tới các thành phố du lịch đều ở mức cao là câu chuyện không mới. Trước đó, vào những dịp nghỉ lễ 30/4 hay 2/9, chúng ta đã chứng kiến hiện tượng giá vé máy bay tăng cao đột ngột từ 2-4 lần so với thời gian bình thường. Giá vé máy bay tăng cao cũng đẩy giá tour tăng đến 30-40%, do giá vé máy bay chiếm khoảng 30-60% giá tour nội địa, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đi du lịch của du khách.

Hậu quả là, do cung cầu thị trường, giá vé có khi tăng cao rồi lại giảm sâu khiến doanh nghiệp và khách du lịch hụt hẫng, suy giảm niềm tin đối với các điểm đến du lịch trong nước. Điểm đến trong nước bị vắng khách như: Phú Quốc, Nha Trang, Huế, Đà Nẵng… Chúng ta gọi đó là cách làm “chặt khúc” hay tư duy “mùa gặt”.

Trong các cuộc họp của Hội đồng Tư vấn Du lịch, chúng tôi cũng nêu ra vấn đề giá sản phẩm du lịch bị ảnh hưởng nhiều do không có sự điều tiết, hợp tác chặt chẽ giữa ngành hàng không và du lịch. Vấn đề là giá vé máy bay tăng cao trước mùa cao điểm khoảng 1-2 tháng rồi lại hạ nhiệt khiến khách hàng không còn tự tin đặt chỗ sớm và cũng không trông chờ vào sự giảm giá sát chuyến đi.

Không chỉ doanh nghiệp lữ hành, đối tượng chịu tác động là bản thân du khách, doanh nghiệp lưu trú, nhà hàng, người dân địa phương và nguồn thu cho địa phương. Thậm chí, bản thân các hãng hàng không cũng chịu tác động của sự biến động giá này bởi thực tế, mặc dù giá vé máy bay giảm nhiều sau đó nhưng nhiều chặng bay trong dịp lễ cũng chỉ đạt công suất 40%.

Nhìn bao quát hơn, giá vé máy bay nội địa tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch trong nước, mà còn khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Vé máy bay giá cao dẫn đến nhiều thời điểm tour nội địa có giá cao hơn tour đi các nước trong khu vực, điển hình như Thái Lan hoặc Indonesia. Khách du lịch thờ ơ với điểm đến trong nước mà chọn Bangkok, Phuket hay Bali vì giá cả cạnh tranh hơn. Điều này dẫn đến hệ lụy là ngoại tệ của Việt Nam chảy ra nước ngoài, du lịch nội địa và kinh tế địa phương gặp khó khăn nhiều hơn.

Chúng ta đều thấy rõ ràng cần có sự “bắt tay” giữa hàng không và du lịch để tìm giải pháp lâu dài bởi thực tế, du lịch mang đến nguồn khách cho hàng không và hàng không tạo đà cho phát triển du lịch.

HẠNH NHÂN