Nguyên Tổng Giám đốc bị khởi tố, Cao su Đắk Lắk đang làm ăn ra sao?
Là doanh nghiệp Nhà nước chuyên trồng, chế biến mủ cao su nhưng trong suốt một thời gian dài, Cao su Đắk Lắk kinh doanh kém hiệu quả, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Liên tiếp vướng sai phạm
Công an tỉnh Đắk Lắk mới đây đã ra quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Văn Đức Lư (68 tuổi), nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Đắk Lắk (Cao su Đắk Lắk) để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" do có những sai phạm trong thời gian còn công tác.
Trước đó, tháng 7/2023, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án để điều tra sai phạm liên quan hợp đồng cung ứng giống cây cao su nhập khẩu Malaysia gây thiệt hại gần 1,4 tỷ đồng và hợp đồng môi giới bán mủ cao su để hưởng phần trăm chênh lệch xảy ra Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (viết tắt là DAKRUCO, nay là Công ty CP Cao su Đắk Lắk).
Hồ sơ cho thấy, tháng 9/2007, Công ty CP Cao su Đắk Lắk lập tờ trình xin UBND tỉnh nhập giống cây cao su từ Malaysia và được UBND tỉnh đồng ý.
Đầu năm 2008, Công ty Cao su Đắk Lắk đồng ý để Công ty TNHH Cao Su Huỳnh Phước cung cấp 1,5 triệu loại cây giống cao su với đơn giá 1,2 USD/cây. Tổng trị giá hợp đồng là 1,89 triệu USD, thời hạn giao 3 năm (từ năm 2008 - 2010).
Tuy nhiên, trong quá trình giao, nhận hàng, chỉ có hơn 328.000 cây đạt yêu cầu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, hơn 118.000 cây còn lại không đạt.
Đến tháng 12/2010, đại diện 2 doanh nghiệp đã tiến hành họp thỏa thuận, thống nhất: Công ty Cao su Đắk Lắk đồng ý chia sẻ rủi ro với Công ty TNHH Cao Su Huỳnh Phước tỷ lệ 50% tổng số cây bị thiệt hại, với số tiền 1,38 tỷ đồng.
Công ty Cao su Đắk Lắk đồng ý điều chỉnh tại phụ lục hợp đồng nhận tiếp 500.000 cây giống cao su với giá 1,5 USD/cây, thành tiền (tính cả VAT) là 787.500 USD.
Ngoài điều tra sai phạm về mua bán giống cây trồng, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đang điều tra liên quan việc Công ty TNHH Huỳnh Phước đi môi giới bán mủ cao su cho Công ty Cao su Đắk Lắk, hưởng hoa hồng hơn 500.000 USD.
Theo cơ quan công an, từ năm 2009-2011, Công ty cao su Đắk Lắk đã ký 3 hợp đồng nguyên tắc, nhờ Công ty TNHH Huỳnh Phước môi giới bán mủ cao su, chiết khấu môi giới 2-3%.
Cao su Đắk Lắk làm ăn ra sao?
Cao su Đắk Lắk (DAKRUCO) được thành lập vào năm 1993, trên cơ sở Liên hiệp các Xí nghiệp cao su Đắk Lắk thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh theo Nghị định 388 của Chính phủ.
Doanh nghiệp này được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt chuyển đổi hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV theo quyết định số 2440/QĐ-UBND ngày 23/09/2010 về việc Phê duyệt Đề án chuyển đổi Công ty cao su Đắk Lắk thành Công ty TNHH MTV và Điều lệ Công ty kể từ tháng 1/2011.
Sau đó, Cao su Đắk Lắk được chuyển đổi cổ phần hóa theo quyết định số 1126/QĐ-UBND ngày 22/4/20216 của UBND tỉnh Đắk Lắk. Hiện, tập đoàn kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: trồng, khai thác, chế biến cao su, kinh doanh nhà hàng, khách sạn...
Hiện, doanh nghiệp này có 3 công ty con là Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk, Công ty CP Cao su Daknoruco và Công ty TNHH Phát triển Cao su Đắk Lắk- Mondolkiri.
Về tình hình kinh doanh, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, doanh thu thuần của Cao su Đắk Lắk trong kỳ ở mức 172,3 tỷ đồng; giảm mạnh so với con số gần 297,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận gộp giảm gần 57,7%, về mức 32,2 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm mạnh từ 25,9 tỷ đồng về 5,6 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí cũng được tiết giảm đáng kể. Chi phí tài chính ở mức 17,8 tỷ đồng, chi phí bán hàng gần 10 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 11,1 tỷ đồng.
Khấu trừ đi các khoản chi phí, DAKRUCO báo lãi sau thuế ở mức âm gần 1,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi hơn 14 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp ở mức 398 tỷ đồng, giảm 32,7% so với nửa đầu năm 2022; lỗ ròng ở mức 6,7 tỷ đồng.
Cũng theo BCTC hợp nhất, tính đến ngày 30/6/2023, doanh nghiệp đang có khoản vay ngắn hạn gần 206,6 tỷ đồng tại các ngân hàng, gần như đi ngang so với thời điểm đầu kỳ.
Vốn chủ sở hữu ở mức 1.558 tỷ đồng, trong đó, UBND tỉnh Đắk Lắk nắm giữ 98,94%, tương ứng hơn 1.541,4 tỷ đồng; các cổ đông khác sở hữu 1,06%.
Là doanh nghiệp trồng, chế biến cao su nhưng Cao su Đắk Lắk còn mang vốn đi đầu tư ngoài nhưng kém hiệu quả. Đơn cử như dự án xây dựng cụm dịch vụ khách sạn 4 sao Dakruco (30 Nguyễn Chí Thanh, TP Buôn Ma Thuột). Được đưa vào sử dụng từ tháng 1/2009 đến nay, cụm dịch vụ khách sạn Dakruco liên tiếp làm ăn thua lỗ dẫn đến âm vốn chủ sở hữu.
Hay như một dự án khác là dự án Khu du lịch sinh thái Bản Đôn (đóng tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), là dự án được Công ty cao su Đắk Lắk tiếp nhận từ Sở Thương mại và Du lịch Đắk Lắk từ năm 2004 để đầu tư, xây dựng, kinh doanh.
Cao su Đắk Lắk bỏ gần trăm tỷ xây dựng các hạng mục trong khu du lịch nhưng cũng không thoát cảnh làm ăn thua lỗ.