Châu Á tìm cách 'vượt bão'
Trong báo cáo tháng 10 mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 đối với các quốc gia châu Á, với dự báo tốc độ tăng trưởng chung thấp nhất trong 50 năm trở lại đây.
Hạ mức tăng trưởng
Ở lần dự báo này, WB cho rằng năm 2023, tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á chỉ đạt mức 4,7% so với con số 5% đưa ra vào hồi tháng 9. Nguyên nhân chính được cho là do có sự chững lại của các nền kinh tế đầu tàu, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Một số quốc gia khác có mức tăng trưởng cao (khoảng 7 - 8,5%) nhưng là những nền kinh tế nhỏ nên không tác động nhiều tới tăng trưởng chung.
Dự báo mới nhất của WB cho thấy châu Á, trong đó nổi bật là nhóm các quốc gia Đông Á, được đánh giá là một trong những đầu tàu tăng trưởng chính của thế giới. Tuy nhiên, năm 2023, mức tăng trưởng được dự báo thấp nhất kể từ cuối thập niên 1960, nếu không tính đến những cú sốc lớn như đại dịch Covid-19 (2020-2022), cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và cú sốc dầu lửa thập niên 1970.
Ông Aaditya Mattoo - nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng cho dù những tháng còn lại của năm 2023 có sáng hơn nhưng cả năm thì châu lục đông dân nhất thế giới này cũng tăng trưởng không như kỳ vọng. Doanh thu đến từ bán lẻ ở hầu hết các nước vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch Covid-19. Giao dịch nhà đất vẫn giảm. Nợ của các hộ gia đình cũng như nợ công tăng lên, cùng đó là đầu tư của khu vực tư nhân ảm đạm.
Kinh tế toàn cầu suy yếu đã ảnh hưởng rõ rệt đến các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, với mức xuất khẩu trung bình giảm 20% so với năm trước - theo WB.
Tuy nhiên, ở góc nhìn lạc quan hơn, Phó Chủ tịch WB khu vực châu Á - Thái Bình Dương Manuela V.Ferro cho rằng khu vực này vẫn có được mức tăng trưởng cao so với kinh tế toàn cầu. Cụ thể, tại thời điểm giữa tháng 10/2023, nhiều định chế tài chính quốc tế đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 chỉ ở mức 2,1%.
Giá lương thực tăng cao
Một vấn đề rất quan ngại nữa là nỗi lo lạm phát giá lương thực đã trở lại châu Á. Năm 2023, khí hậu cực đoan ở cả hai chiều hạn hán và lũ lụt khiến mùa màng của nhiều nước châu Á thất bát. Nỗi lo thiếu lương thực đã khiến một số quốc gia cấm xuất khẩu lương thực, hoặc mua vét lương thực để dự trữ khiến giá gạo tăng vọt.
Ngày 20/7, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới dừng xuất khẩu một số loại gạo để hạ nhiệt giá cả trong nước. Bộ trưởng Lương thực Ấn Độ Sanjeev Chopra cho biết, đó là biện pháp cần thiết đối với quốc gia hơn 1,4 tỉ dân. Đây là động thái gây sốc vì trước đó Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Mùa hè vừa qua, lượng mưa ở các bang trồng gạo chủ chốt (West Bengal, Uttar Pradesh, Jharkhand, Bihar, Chhattisgarh và Andhra Pradesh) thấp hơn mức bình thường, khiến sản lượng lương thực xuống thấp.
Theo trang Bloomberg, giá gạo ở châu Á tăng dần theo từng tháng và đã ở mức cao nhất trong gần 15 năm. Trong khi đó, ông Qingfeng Zhang - chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nói rằng giá gạo toàn cầu đặc biệt đáng lo ngại và còn biến động kéo dài, vì thế các quốc gia châu Á cũng sẽ gặp khó khăn. “Sự kết hợp của nhiều yếu tố đang làm dấy lên lo ngại tình trạng thiếu nguồn cung gạo có thể khiến giá các mặt hàng lương thực khác ở châu Á tiếp tục gia tăng vào cuối năm” - ông Qingfeng Zhang nói.
Còn theo bà Erica Tay - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Maybank (Malaysia), nếu nhìn vào con số cung và cầu tổng thể, các nước châu Á có thể vượt qua cú sốc về giá. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể có được với điều kiện hiện tượng El Nino không mạnh lên. Ngược lại thì rất có thể sẽ gây ra sự gián đoạn nguồn cung lương thực trên diện rộng hơn với nhiều quốc gia châu Á.
“Đối với châu Á, mối lo chính không chỉ nguồn cung gạo bị ảnh hưởng mà lượng nông sản nói chung có nguy cơ bị tác động tiêu cực. Và chính điều này có thể làm gia tăng rủi ro về lạm phát giá tiêu dùng cao hơn” - bà Erica Tay nói.
Theo Bloomberg, hầu hết các quốc gia châu Á đã tung ra các gói kích cầu tiêu dùng nhằm đạt tăng trưởng cao hơn, các hoạt động kinh tế bớt trì trệ. Những lĩnh vực được hỗ trợ giá bao gồm xe điện, thiết bị gia dụng, điện tử, dịch vụ ăn uống, văn hóa và du lịch. Đặc biệt, khuyến mại được áp dụng rộng rãi ở khu vực nông thôn nhằm thúc đẩy sức mua. Các ngân hàng trung ương liên tục hạ lãi suất vay để thúc đẩy doanh nghiệp và người dân tăng chi tiêu. Ông Atsushi Takeda - nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu kinh tế Itochu (Nhật Bản), cho biết chi tiêu mạnh mẽ sẽ dẫn đến tâm lý lạc quan hơn ở các nhà sản xuất. Các công ty lớn có kế hoạch tăng 13,4% chi tiêu vốn trong năm tài chính hiện tại (kết thúc vào tháng 3/2024), vượt xa con số 3,2% dự kiến. Đó sẽ là liều thuốc mạnh để kinh tế châu Á vận hành năng động hơn.