Loay hoay quy hoạch không gian ngầm
Do bế tắc trong việc tìm thêm quỹ đất để xây dựng các công trình đô thị cấp thiết, nhất là các quận trung tâm hầu như đã “cạn” quỹ đất, TPHCM nhắm đến hướng giải pháp quy hoạch không gian ngầm để tận dụng tối đa tài nguyên cho quá trình phát triển đô thị. Tuy nhiên, thực tế gặp không ít khó khăn.
Ế ẩm do thiếu “sức hút”
Không gian ngầm tại Công viên 23 tháng 9 (quận 1) là một trong các công trình được TPHCM đưa vào hoạt động từ năm 2017, với tên gọi Sense Market. Sau thời gian kinh doanh ế ẩm do hạn chế hoạt động đông người trong 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, “chợ ngầm” Sense Market mở lại các gian thương mại và kinh doanh buôn bán ẩm thực Á - Âu. Thế nhưng, ngay cả thời điểm nghỉ lễ thì lượng khách đến vui chơi, mua sắm tại đây vẫn chỉ bằng 1/3 so với giai đoạn mới khai trương.
Tương tự, khu The New Playground buôn bán sản phẩm thời trang hàng hiệu dành cho giới trẻ, thế nhưng nhiều tháng qua cũng rơi vào cảnh thưa thớt khách mua.
Theo chị Đào Thu Hồng (một tiểu thương tại “chợ ngầm” này) thì kinh doanh ở đây sa sút một phần đến từ việc kinh doanh thương mại điện tử gần như đã chiếm từ 70-80% thị phần tại TPHCM với các đơn hàng qua App bán online như TikTok, Facebook, Zalo.
Tình trạng ế ẩm khách mua sắm cũng diễn ra ở khu mua sắm “ngầm” Concept Mall trên đường Lý Tự Trọng (quận 1). Chị Chu Thị Thu Mai, người kinh doanh tại đây cho biết, từ năm 2021 về trước là thời của mua sắm tại quầy, còn từ năm 2022 trở lại đây là giao hàng và đặt hàng qua mạng. Khái niệm về địa chỉ cửa hàng hầu như đã không còn trong từ điển của giới trẻ thành phố.
Về việc chưa khai thác được không gian ngầm cho thương mại, dịch vụ và hoạt động du lịch đã được TPHCM nắm bắt từ nhiều năm qua và liên tục tìm kiếm các giải pháp để “làm nóng” cho không gian ngầm. Nhiều ý kiến cho rằng quy hoạch không gian ngầm là tất yếu nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Khoảng 5 năm gần đây TPHCM đã ưu tiên hàng đầu cho các trung tâm thương mại mới được phép xây dựng thêm không gian ngầm để khai thác thêm tài nguyên không gian cho bãi giữ xe ngầm, trung tâm thương mại, dịch vụ, ẩm thực...
Tuy nhiên, việc kinh doanh ế ẩm tại các trung tâm thương mại ngầm, chợ thương mại dưới mặt đất vẫn đang là thực tế.
Tìm “đầu ra” cho không gian ngầm
Để tìm “đầu ra” cho không gian ngầm, tức khai thác hiệu quả các yếu tố về thu hút du khách và người tiêu dùng hơn nữa, tháng 5/2023 Chủ tịch UBND TPHCM đã quyết định thành lập một tổ công tác đầu tư nghiên cứu phát triển không gian đô thị khu vực trung tâm, định hướng phát triển giao thông, bến bãi đậu xe, trung tâm thương mại ngầm, không gian ngầm. Tổ gồm 14 thành viên và do Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc làm Tổ trưởng, kèm theo thành viên là đại diện các Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa - Thể thao, Hội Kiến trúc sư thành phố, Ban Quản lý đường sắt đô thị…
Khu vực đầu tiên TPHCM nhắm đến khai thác, nghiên cứu không gian ngầm là trung tâm thành phố, tập trung tại các trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, công viên 23 tháng 9, khu vực nhà ga Bến Thành, Chợ Bến Thành (quận 1), với không chỉ là không gian ngầm phát triển giao thông (tuyến Metro số 1), trung tâm thương mại mà còn nhắm đến nhiều vai trò cho đô thị thông minh. Ngoài khu vực này, tổ công tác còn có nhiệm vụ tìm kiếm thêm các khu vực mới, tham mưu đề xuất trình UBND TPHCM về định hướng quy hoạch, hình thức đầu tư và phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các khu vực trung tâm tiềm năng khác để khai thác không gian ngầm.
KTS Nguyễn Văn Biểu - Giám đốc Công ty TNHH Bhomes cho rằng, với dân số 10 triệu người, bên cạnh việc phát triển cao tầng thì hướng chuyển các công trình xuống lòng đất là cần thiết. Thế nhưng, việc thiếu kết nối giữa các không gian ngầm, được giới hạn bởi các công trình cao tầng đơn lẻ là một trong những nguyên nhân khiến không gian ngầm của TPHCM chưa có “đầu ra”.
Tuy vậy, ông Biểu cho rằng chúng ta vẫn có thể kỳ vọng vào tuyến tàu điện ngầm Metro số 1, với lộ trình Bến Thành - Suối tiên mà TPHCM đang xây dựng và dự kiến đưa vào hoạt động từ cuối năm nay. Đây là không gian ngầm hội đủ được tính kết nối, bao gồm một mạng lưới không gian ngầm kết nối với nhau và với các tầng hầm của các tòa nhà riêng lẻ tại trung tâm quận 1, kết nối giữa các nhà ga Metro, do đó sẽ thu hút được nhu cầu thực tế sử dụng của TPHCM.
Theo kế hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM và UBND TP Thủ Đức sẽ phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu phát triển không gian đô thị khu vực trung tâm thành phố, trong đó có định hướng phát triển về giao thông, bến bãi đậu xe, trung tâm thương mại ngầm, không gian ngầm. Từ tháng 9/2023, các cơ quan cũng đã tham mưu đề xuất để UBND TPHCM ban hành kế hoạch và hình thức kêu gọi đầu tư xây dựng không gian trên mặt đất và phát triển không gian ngầm tại khu vực công viên bến Bạch Đằng và các trục đường trung tâm quận 1 (TPHCM) để “đón đầu” tuyến Metro đầu tiên của thành phố dự kiến vận hành từ cuối năm nay.