Miền Trung oằn mình trong mưa lũ
Gần 1 tuần qua, mưa to kéo dài trên diện rộng từ Nghệ An tới Bình Định, gây ngập lụt, sạt lở. Người miền Trung một lần nữa lâm vào khó khăn do thiên tai. Trong khi đó, thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, mưa lớn trút xuống miền Trung còn kéo dài ít nhất tới ngày 17/10.
TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam là những địa phương ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt mưa lũ này. Người chết, nhà cửa bị nước cuốn, ruộng đồng ngập trắng, giao thông chia cắt, nhiều nơi bị sạt lở. Cả nước hướng về miền Trung với nhiều lo lắng, sẻ chia. Không chỉ các tỉnh duyên hải miền Trung mà mưa lũ, sạt lở đã mở rộng, tấn công các tỉnh Tây Nguyên.
Đợt mưa lũ này ở miền Trung có cường độ rất lớn, gần với đợt mưa lũ lịch sử năm 1999. Lượng mưa phổ biến 250mm, có nơi trên 400mm, riêng khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam từ 300-500mm, có nơi đến 800mm. Với lượng mưa quá lớn như vậy nước các dòng sông trong khu vực dâng cao, vùng núi xuất hiện tình trạng sạt lở, khả năng xảy ra lũ quét và ngập úng ở khu vực trũng, thấp.
Cơ quan khí tượng thủy văn lần đầu tiên đã phải nâng cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 4 với Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Rủi ro thiên tai cấp độ 4 trong trường hợp: Lượng mưa từ trên 200mm đến 400mm trong 24 giờ kéo dài trên 4 ngày ở khu vực trung du, vùng núi trong phạm vi nhiều tỉnh khác nhau; Lượng mưa trên 400mm trong 24 giờ kéo dài từ trên 2 ngày ở khu vực trung du, vùng núi hoặc kéo dài trên 4 ngày ở khu vực đồng bằng, ven biển trong phạm vi nhiều tỉnh khác nhau.
Như vậy, lượng mưa thực tế ở một số tỉnh miền Trung đợt này đã vượt cảnh báo rủi ro thiên tai ở cấp cao nhất.
Những ngày qua, chính quyền các địa phương miền Trung đã huy động lực lượng tập trung chống mưa lũ, sạt lở, giúp người dân trụ được trong thiên tai. Miền Trung đang chờ đợi những tấm lòng sẻ chia của đồng bào cả nước để vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Trong đợt mưa lũ này, một vấn đề khác cũng rất cần quan tâm, đó là bảo đảm tuyệt đối an toàn hồ đập, không bất ngờ xả lũ cứu hồ đập tạo ra “lũ chồng lũ”. Miền trung là khu vực có nhiều hồ chứa nước lớn. Trong số 10 hồ chứa nước lớn nhất cả nước, thì miền Trung có tới 8 hồ, gồm: hồ Cửa Đạt (tỉnh Thanh Hóa), dung tích 1,45 tỷ m3 nước. Hồ hồ Ngàn Trươi (Hà Tĩnh), dung tích 775 triệu m3 nước. Hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), dung tích 646 triệu m3 nước. Hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), dung tích trữ 345 triệu m3 nước. Hồ Phú Ninh (Quảng Nam), dung tích 344 triệu m3 nước. Hồ Nước Trong (Quảng Ngãi), dung tích 289 triệu m3 nước. Hồ Định Bình (Bình Định), dung tích 226 triệu m3 nước. Hồ Bản Mồng (Nghệ An), dung tích 224,78 triệu m3 nước.
Để bảo đảm an toàn, mới đây Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị vận hành hồ chứa nước tại miền Trung - Tây Nguyên không được xả lũ bất thường, gây mất an toàn cho hạ du. Đặc biệt lưu ý tới các hồ chứa nước xung yếu, vùng hạ du đông dân cư sinh sống khi có mưa trên lưu vực hồ chứa.
Thống kê của cơ quan chức năng cho biết, 18 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên có tới 4.086 hồ chứa thủy lợi, chiếm 60% tổng số hồ thủy lợi cả nước (6.750 hồ), với tổng dung tích 10,1 tỷ m3. Đó là chưa kể rất nhiều hồ thủy điện vừa và nhỏ.
Những năm qua, do biến đổi khí hậu, mưa bão thường đổ bộ vào miền Trung những tháng cuối năm. Cả chục năm trở lại đây, năm nào miền Trung cũng phải hứng chịu mưa bão. Ở khu vực này, nhà tránh bão, lũ được đầu tư xây dựng nhiều nhất cả nước, đã hạn chế phần nào hậu quả thiên tai. Nhưng dẫu thế thì thiệt hại vẫn vô cùng lớn. Một trận lũ tràn qua cũng đủ khiến ruộng đồng tan hoang, lấy đi biết bao mồ hôi nước mắt, công sức, tài sản của người dân. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, cả nước thao thức cùng miền Trung. “Trông trời trông đất trông mây... Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng”. Người miền Trung kiên cường, người cả nước hướng về miền Trung chung sức khắc phục hậu quả thiên tai do đợt mưa lũ quá lớn kéo dài gây ra. Đó cũng chính là tiếng gọi thiết tha trong ý nghĩa “đồng bào”.