Giao mùa, đề phòng viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ

Đức Trân 16/10/2023 07:00

Thời tiết chuyển dần khô hanh, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cùng sự sụt giảm độ ẩm không khí là tác nhân khiến không ít người dân gặp các bệnh lý về da. Trong đó, số bệnh nhi mắc viêm da cơ địa thường gia tăng trong khoảng thời gian này.

Thăm khám cho trẻ mắc viêm da cơ địa tại Bệnh viện Da liễu trung ương. Ảnh: BVCC.

Bé N.L.P. (18 tháng tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) được bà và mẹ đưa đi khám tại Bệnh viện Da liễu trung ương với khuôn mặt xước đỏ, thậm chí có vết xước mưng mủ. Mẹ bé P. cho hay: Cháu được chẩn đoán viêm da cơ địa từ 1 tháng tuổi, gãi đến đâu mẩn ngứa nổi lan đến đó. Thời tiết càng khô hanh cháu lại càng ngứa. Mấy hôm nay, cháu lại bắt đầu ngứa nhiều, lo lắng nên gia đình tôi đưa con đi thăm khám.

BSCKII Nguyễn Thùy Linh - Phó trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết: Bước vào mùa thu đông, làn da trở nên hanh khô, giảm sức đề kháng dẫn đến da bị suy yếu, kích ứng hay gặp các bệnh lý như viêm da, chàm, dị ứng, nấm da, vảy nến... Thống kê sơ bộ cho thấy, thời điểm này tình trạng trẻ mắc viêm da cơ địa gia tăng đáng kể. Đa phần có biểu hiện da khô quá, ngứa ngáy khó chịu và càng gãi càng ngứa, gây tổn thương da trầm trọng hơn.

BS Linh lý giải, tổn thương điển hình của viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ là các đám da đỏ bên trên có mụn nước nhỏ li ti tập trung thành đám rất ngứa, những mụn nước này rất dễ vỡ, chảy dịch vàng, nếu không được điều trị sẽ bị nhiễm trùng, tạo nên các vảy tiết màu vàng nâu trên da. Tổn thương thường ở hai má, cằm và cẳng chân. Tình trạng này kéo dài, không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ làm vảy tiết dày lên, lan ra toàn bộ vùng đầu mặt của trẻ. Nặng hơn nữa có thể gây ra tình trạng đỏ da toàn thân – đây là biến chứng nặng nhất trong chuyên ngành da liễu, vì khi đó những trao đổi chất qua da tăng lên, khiến cơ thể bị mất nhiều năng lượng, protein, mất nước toàn cơ thể, bệnh nhân có thể bị rối loạn điện giải hoặc có thể nguy hiểm tính mạng nếu không điều trị, chăm sóc kịp thời.

BSCKII Nguyễn Thanh Thùy - Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu trung ương) đưa ra cảnh báo, mặc dù viêm da cơ địa là bệnh không lây, nhưng nếu không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, virus. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ cứ nghĩ triệu chứng mẩn ngứa là bệnh đơn giản, chỉ cần tắm nước lá cho mát dịu, sau đó tự mua thuốc về bôi bệnh sẽ ổn, mà không biết rằng việc lạm dụng bôi thuốc sẽ ảnh hưởng khôn lường. Thậm chí, nhiều bệnh nhi phải nhập viện vì tổn thương da nặng.

Một trường hợp cụ thể, bé trai T.P. (14 tháng tuổi, ở Hà Nội) bị nổi mảng rát đỏ, da khô sần, ngứa ở lưng, ngực, hai tay, chân tuy nhiên gia đình không đưa con đi thăm khám mà tự mua thuốc về nhà để điều trị. Những ngày sau đó, tình trạng trạng sẩn ngứa của trẻ không thuyên giảm mà tiếp tục lan ra toàn thân khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu, ngủ không ngon, ăn kém.

“Khi trẻ bị viêm da cơ địa sẽ có biểu hiện khô da, mẩn đỏ, ngứa ngáy gây khó chịu thì cha mẹ bôi thuốc cho con thấy đỡ ngay sau vài ngày và cứ nghĩ sẽ ổn. Nhưng cha mẹ không hề biết thuốc đó là corticoid, làm dịu ngứa rất nhanh, nếu lạm dụng lâu ngày sẽ gây những tác dụng phụ như rạn da, teo da, rậm lông và kèm các yếu tố nhiễm khuẩn khác, gây biểu hiện mẩn ngứa toàn thân. Khi dùng thuốc kéo dài, dẫn đến việc điều trị sẽ khó khăn hơn” – BS Thùy nhấn mạnh.

Chuyên gia khuyến cáo, để điều trị viêm da cơ địa, việc chăm sóc da cho trẻ là rất quan trọng, giúp bệnh được ổn định và tránh tái phát. Điều này cần sự tỉ mỉ khi chăm sóc và sự hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc và cha mẹ của trẻ.

Cha mẹ không nên bôi, tắm cho trẻ bằng các nước lá không rõ nguồn gốc vì đây chính là nguyên nhân làm tình trạng bệnh của trẻ nặng thêm. Luôn luôn chú ý loại bỏ các yếu tố kích ứng làm cho tình trạng của bệnh nặng lên ví dụ như bụi, mạt nhà, phấn hoa, lông súc vật... Không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng hoặc thực phẩm lạ.

Theo BSCKII Nguyễn Thanh Thùy - Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu trung ương), trẻ bị viêm da cơ địa nên tắm bằng những loại sữa tắm dịu nhẹ, ít kích ứng và có tính chất dưỡng ẩm, tắm nước không quá nóng và không nên ngâm trẻ quá lâu. Khi thấy trẻ có biểu hiện mẩn đỏ, khô da nhiều, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám xác định căn nguyên, điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng.

Đức Trân