Bình ổn giá cao điểm cuối năm
Tại thời điểm này, lạm phát được kiểm soát và có thể đạt được mục tiêu đề ra của cả năm nhưng việc điều hành giá những tháng cuối năm vẫn còn nhiều áp lực. Vì vậy cần nhiều biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động có thể gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Theo nhìn nhận của Tổ điều hành thị trường trong nước, giá nhiều mặt hàng hiện thời không có biến động lớn, nguồn cung đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng. Riêng mặt hàng thóc, gạo giá tăng do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu. Giá thịt lợn tăng, giảm đan xen theo nguồn cung và nhu cầu từng giai đoạn, tuy nhiên vẫn ở mức hợp lý cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng…
Có hiện tượng “tăng giá ngầm”?
Ghi nhận thực tế tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú đa dạng. Giá thịt bò bắp 230.000 đồng/kg, giò lụa 150.000 đồng/kg, cá chép 60.000 đồng/kg, cá trắm đen 130.000 đồng/kg
Tại chợ Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội, gạo tẻ thường có giá 160.000 đồng/kg, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng đang dao động quanh mức 110.000 - 135.000 đồng/kg. Cụ thể, sườn non, ba chỉ có giá 135.000 đồng/kg; bắp giò, nạc vai có giá 130.000 đồng/kg; thịt lợn mông sấn 110.000 - 120.000 đồng/kg... Tuy nhiên, người tiêu dùng cho rằng trong bối cảnh nguồn thu nhập sụt giảm, kinh tế khó khăn thì giá thịt lợn như vậy vẫn ở mức cao.
Trong khi đó tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng được triển khai nên giá một số mặt hàng thực phẩm công nghệ, rau củ quả được khuyến mại giảm từ 5-10%.
Tại một cuộc hội thảo bàn về lạm phát năm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú dùng từ “êm dịu” để chỉ giá cả thị trường với nguyên nhân sức mua yếu, nguồn cung dồi dào.
Song cũng theo vị chuyên gia này, giá xuống thì mừng, nhưng lại là điều đáng lo ngại đó là cần tổ chức lại hệ thống phân phối, nâng cao tính chia sẻ ở cộng đồng và tăng cường kiểm soát giá thị trường.
Ông Phú đưa ra ví dụ, cam ở Vĩnh Long là 5.000 đồng/kg, nhưng ở Hà Nội vẫn là 25.000 đồng/kg. Giá thịt lợn khi chợ xuống 130.000 đồng/kg thì ở một số siêu thị là hơn 200.000 đồng/kg. Khi sức mua yếu mà giá cả tăng thì càng yếu, thậm chí còn có hiện tượng “tăng giá ngầm”, bằng cách giảm trọng lượng của sản phẩm, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân.
“Người lao động vất vả, bữa cơm trưa 15.000 - 20.000 đồng không ăn nổi. Giá cả dịu nhưng đời sống người tiêu dùng chưa mấy vui, cần phải khắc phục” - ông Phú nói.
Nhiều chuyên gia cũng đề nghị cơ quan chức năng phải tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá. Cùng với đó là phải tiếp tục triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giá (sửa đổi) để hoàn thiện cơ chế quản lý điều hành giá đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về giá trong tình hình mới.
“Điểm danh” các yếu tố tác động đến giá
Dù dư địa kiểm soát đang tăng dần nhưng nếu không có gì quá đột biến thì có thể hoàn thành mục tiêu lạm phát 4,5%, thậm chí thấp hơn dưới 4%. Song các yếu tố gây áp lực tác động lên giá vẫn có. Thứ nhất do nhu cầu mua sắm quý IV luôn tăng cao hơn so với các quý còn lại của năm, đồng thời một số mặt hàng như xăng dầu, nguyên vật liệu xây dựng cũng có thể lên giá. Cụ thể, bình quân tháng 9/2023, các mặt hàng dầu thô đã tăng khoảng 6%, thậm chí giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu đã tăng từ 11-20% so với tháng 8. Đáng lo ngại hơn, giá dầu đang tăng liên tục trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Hamas với Israel diễn ra. Chưa kể các biến động trên thị trường quốc tế rất khó lường, các xu thế tăng giá vẫn ở mức cao.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê (GSO), tháng 9, chỉ số CPI tiếp tục tăng 3,66% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 1,08% so với tháng 8. Trong đó, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới vẫn là một trong những nguyên nhân chính đẩy chỉ số CPI lên. Cuối năm, khi nguồn cung thắt chặt thì khả năng cao giá dầu thế giới lại “nóng”.
Ông Dũng cho rằng giá năng lượng toàn cầu tăng thì giá xăng dầu trong nước cũng sẽ khó tránh khỏi các phiên điều chỉnh tăng. Cùng với đó, việc Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế có thể khiến lạm phát tăng cao 3 tháng cuối năm.
Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4,5%, Bộ Tài chính đưa ra 2 kịch bản lạm phát.
Theo đó, kịch bản 1: Giả thiết quý IV/2023 so với cùng kỳ năm 2022: giá xăng dầu tăng 10%, giá gas tăng 7%, giá lương thực, thực phẩm tăng 4%, giá điện sinh hoạt tăng 3%, giá vật liệu xây dựng tăng 5%, giá nhà ở thuê tăng 9%, giá dịch vụ y tế tăng 2,5%, giá dịch vụ giáo dục tăng 8% thì CPI bình quân năm 2023 dự báo tăng khoảng 3,2% so với năm 2022.
Kịch bản 2: Giả thiết quý IV/2023 so cùng kỳ năm 2022, giá xăng dầu tăng 20%, giá gas tăng 15%, giá lương thực, thực phẩm tăng 4,5%, giá điện sinh hoạt tăng 8%, giá vật liệu xây dựng tăng 5%, giá nhà ở thuê tăng 10%, giá dịch vụ y tế tăng 4,5%, giá dịch vụ giáo dục tăng 9% thì dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,6% so với năm 2022.
Theo dõi sát diễn biến thị trường
Để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, phải theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để có phản ứng chính sách chủ động, kịp thời trước các tình huống phát sinh.
Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, nhất là trước áp lực tăng giá đồng USD từ bên ngoài. Giữ ổn định thị trường ngoại hối. Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống ngân hàng. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng, tăng cường ứng dụng công nghệ số nâng cao hiệu quả quản lý thu. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, bảo đảm nguồn lực thực hiện các giải pháp thuế, phí... hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế. Giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... phải điều chỉnh theo lộ trình với mức độ và thời điểm phù hợp, hạn chế tối đa tác động lên lạm phát, tác động tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Tiếp theo là bảo đảm năng lượng, tăng cường quản lý giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu, cung ứng đủ điện, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, điện mặt trời mái nhà theo Quy hoạch điện VIII. Phải có đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của thị trường để có giải pháp sản xuất, điều tiết hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ Tết Nguyên đán 2024.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá như xăng dầu, vật tư xây dựng, vận tải… Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tránh tâm lý lạm phát kỳ vọng.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, trong những tháng cuối năm, để ổn định giá cả thị trường, đặc biệt để việc tăng lương cơ sở không tác động tới các mặt hàng thiết yếu sẽ có chính sách bình ổn giá, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên Bộ Tài chính cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, loại bỏ những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.
Thực tế, các bộ, ngành đã có sự chuẩn bị nhất định trong công tác điều hành giá. Bộ Công thương cho biết, sẽ chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Trong đó cần xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa; triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Về chính sách tiền tệ, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của năm 2023, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng giá trị hỗ trợ dự kiến khoảng 196 nghìn tỷ đồng... Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần liên tục điều chỉnh giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Về điều hành một số mặt hàng thiết yếu, giá cả có tăng - giảm đan xen do tác động của giá cả thế giới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá của Ban chỉ đạo điều hành giá” - ông Chi cho biết.