Xử lý nghiêm giáo viên có hành vi lệch chuẩn
Hàng loạt hành vi thiếu chuẩn mực với học sinh của một số giáo viên đang khiến dư luận bất bình cần được nhìn nhận thấu đáo cũng như xử lý nghiêm để làm gương.
Hành xử lệch chuẩn
Mới đây, việc thầy giáo thóa mạ học sinh tại lớp học ở Trường THPT Phan Huy Chú (Thạch Thất, Hà Nội) khiến nhiều người phẫn nộ. Trước đó, tại Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), một nữ sinh đã quỳ khóc van xin cô giáo suốt 2 giờ đồng hồ đến mức lên cơn co giật, kiệt sức. Lý do là vì nữ sinh này đã đặt bánh sinh nhật không đúng địa chỉ cô giáo chỉ định ban đầu nên khi em này mang bánh đến lớp đã bị cô giáo mắng chửi với lời lẽ rất nặng nề. Thậm chí cô giáo còn đe dọa "hạ hạnh kiểm không cho thi tốt nghiệp”, sau đó, nữ sinh bị cô giáo đuổi ra ngoài hành lang và khóc suốt 2 tiếng đồng hồ. Đỉnh điểm của vụ việc là nữ sinh lên cơn co giật tại chỗ nhưng cô giáo không dừng lại mà còn có hành vi túm cổ áo nữ sinh như trong clip chia sẻ.
Ở một diễn biến khác, bà Nguyễn Thị Cẩm Thanh Trà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Tân Bình, TPHCM) vừa qua đã gửi thông cáo báo chí liên quan đến việc một học sinh của trường bị gãy ngón tay. Theo đó, ngày 4/10, trong quá trình dạy học, cô giáo đã có hành vi chưa chuẩn mực gây thương tích cho học sinh. Theo giấy chứng thương của phòng khám, học sinh bị gãy xương ở vị trí nền của xương đốt ngón gần ngón 4 tay phải. Tuy nhiên, gia đình học sinh cho rằng cô giáo đã đánh học sinh bằng cây gỗ và khi cô giáo đến thăm học sinh tại nhà, chủ động xin lỗi, cô cũng thừa nhận đã đánh bé M.K. vì bé không chịu ngồi yên trong giờ học.
Hàng loạt vụ bạo lực học đường, với sự tham gia của người thầy ngay trong chính không gian lớp học được ghi lại khiến dư luận phẫn nộ và lo lắng. Bởi ngay trong môi trường vốn được coi là an toàn nhất với trẻ em, những người giáo viên được phụ huynh tin tưởng, gửi gắm con em mình để giáo dục, dạy dỗ thì nay lại mang đến nỗi sợ hãi, hoang mang, thậm chí là những vết thương khó lành trên cơ thể, trong tâm hồn con trẻ...
Những hành vi lệch chuẩn của giáo viên hiện nay vì đâu nên nỗi? Câu hỏi day dứt này đang cần được quan tâm lý giải cũng như có biện pháp giải quyết rốt ráo, triệt để làm trong sạch môi trường học đường, để trẻ mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Chú trọng đạo đức nhà giáo
Thừa nhận giáo viên có hành vi lệch chuẩn là việc đáng buồn với ngành giáo dục, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định: Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là xem xét và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật, quy định của ngành. Đồng thời, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để nhà giáo cùng rút kinh nghiệm chung.
“Ngành giáo dục thi hành xử lý kỷ luật những trường hợp giáo viên có hành vi vi phạm, thậm chí là buộc phải ra khỏi ngành. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải chuyển đến các cơ quan điều tra để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Không có vùng cấm, bao che hay xử lý xuê xoa trong những hành vi vi phạm với đạo đức nhà giáo” - ông Đức nhấn mạnh.
Với quan điểm nghề giáo là nghề đặc biệt, sản phẩm giáo dục là nhân cách của con người, đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn chú trọng vấn đề đạo đức của nhà giáo. Luật Giáo dục trước đây và Luật Giáo dục năm 2019 đều có quy định điều kiện để trở thành giáo viên, đó là phải là người có đạo đức tốt. Bộ cũng đã ban hành Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về đạo đức nhà giáo năm 2008 cũng như liên tiếp có các công văn để đôn đốc về thực hiện đạo đức nhà giáo trong các cơ sở giáo dục.
Dẫu vậy, một số ý kiến cho rằng sau 15 năm thực hiện quy định này đã có những thay đổi trong thực tế, cần có sự điều chỉnh. Theo ông Đức, về cơ bản, quy định này phù hợp với tình hình hiện nay, sát với thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của giáo viên. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các quy định cho phù hợp với thực tiễn hơn, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
Nhìn nhận vấn đề này, GS.TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, các quy định đạo đức nhà giáo đến nay đã khá đầy đủ, chặt chẽ. Vấn đề là trong triển khai tại cơ sở cần được đảm bảo minh bạch trên cơ sở không bao che, xử lý nghiêm và kịp thời thông tin cũng như giải quyết vụ việc để không chỉ người trong cuộc mà những người quan tâm đến vụ việc cũng không bức xúc.
“Cần nhìn nhận rõ những nguyên nhân xảy ra vụ việc. Chẳng hạn một số giáo viên chưa nghiêm túc thực hiện đúng quy định của Bộ về đạo đức nhà giáo, kỹ năng ứng xử tình huống sư phạm, kỹ năng kiềm chế cảm xúc của các thầy, cô còn có hạn chế… Từ đó, có giải pháp tập huấn, bồi dưỡng để giúp thầy cô vượt qua những khó khăn trong giảng dạy cũng như có sự chia sẻ kịp thời từ phía nhà trường, ban giám hiệu, đồng nghiệp, phụ huynh… để giáo viên làm tròn vai trong bối cảnh giáo dục hiện nay có nhiều thách thức” - GS Nguyễn Mậu Bành nhìn nhận.
“Luật Nhà giáo được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Trong thiết kế chung của Luật Nhà giáo, có điều khoản quy định quyền và nghĩa vụ nhà giáo, quy định tiêu chuẩn, tiêu chí trở thành nhà giáo, trong đó có quy định cụ thể hơn về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. Luật sẽ có những quy định về một số người không được tuyển dụng làm nhà giáo nếu đã từng có các hành vi vi phạm như: có hành vi bạo lực, cố ý gây thương tích cho người khác; hành vi xâm hại tình dục, ngược đãi cha mẹ… kể cả tại thời điểm tuyển dụng người đó đã được xóa án tích. Điều này nhằm tránh nguy cơ có thể phát sinh hành vi lệch chuẩn. Đồng thời, Luật Nhà giáo dự kiến có nội dung bảo vệ nhà giáo khi sử dụng các biện pháp giáo dục tích cực để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong nhà trường” - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức chia sẻ.