Ủy ban Kinh tế đề nghị năm 2024 giảm lãi suất cho vay

Việt Thắng 16/10/2023 12:54

Ngày 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch 2024; đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2024-2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5%-7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020 (6,25%) theo Nghị quyết của Quốc hội là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước.

Một số chỉ tiêu sẽ rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa, như chỉ tiêu GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế.

Về năm 2024, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp như Báo cáo của Chính phủ. Song đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; đánh giá kỹ hơn việc lập dự toán NSNN, cân nhắc xây dựng dự toán thu NSNN tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi; nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và đến cuối nhiệm kỳ 2021-2025, đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế-xã hội; đồng thời bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công thực chất, hiệu quả; tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, không để tình trạng dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Phát triển mạnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.

Tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. Tiếp tục nâng cao năng lực theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành dự toán. Tập trung giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường năng lực giám sát và quản trị rủi ro hệ thống.

Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện phương án xử lý các ngân hàng yếu kém. Thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Bảo đảm sự đồng bộ trong xây dựng pháp luật, thể chế, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế và yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện chính sách pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư bám sát định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật chưa thực sự phù hợp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.

Quyết liệt khắc phục những hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực như công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, những dự án thua lỗ kéo dài, những ngân hàng, doanh nghiệp có vi phạm.

Tăng cường cơ cấu lại nền kinh tế theo các nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại Nghị quyết số 31/2021/QH15. Xây dựng giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để vừa khắc phục những hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực, vừa thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Dứt điểm hoàn thành cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập.

Tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, khả năng tiếp cận, năng lực hấp thụ vốn và lao động. Tăng cường thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Đẩy mạnh kết nối kinh doanh, liên kết, tạo thế “cộng sinh” giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia, giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.

Việt Thắng