[Emagazine] Bài 1: 'Kỷ luật - Đồng tâm' - Sức mạnh nội sinh của Quảng Ninh
Trong những năm qua, truyền thống “Kỷ luật – Đồng tâm” được tỉnh Quảng Ninh phát huy, tạo thành sức đại đoàn kết để bảo vệ, xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp như hôm nay...
Trong những năm qua, truyền thống “Kỷ luật – Đồng tâm” được tỉnh Quảng Ninh phát huy, tạo thành sức đại đoàn kết để bảo vệ, xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp như hôm nay...
Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương, đến nay Quảng Ninh đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một trong những tỉnh năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, nhất là sau 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020,…
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” luôn được các thế hệ cán bộ, công nhân Mỏ, ngành than; cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trân trọng gìn giữ, phát huy, làm giàu thêm với những hành động thiết thực, viết nên những trang sử vẻ vang, hào hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước, trở thành tài sản tinh thần vô giá của tỉnh Quảng Ninh.
Đây chính là yếu tố quan trọng để xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng bộ, chính quyền và là nhân tố quyết định trong lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các nghị quyết đại hội đảng các cấp và các nghị quyết của Tỉnh ủy.
Kế thừa những kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước, bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, bài học về tăng cường đoàn kết, thống nhất tiếp tục được Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đặt ở vị trí hàng đầu.
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đã xác định rõ: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo; huy động sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, “kinh tế phát triển” là một giá trị trong hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh. Điều đó có nghĩa là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh phải luôn nhất quán trong nhận thức và hành động, không ngừng tìm tòi, vượt khó để đưa nền kinh tế mạnh mẽ tiến lên về phía trước, phải luôn coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện, bởi chỉ có phát triển lâu dài mới giúp tích lũy và chuẩn bị kịp những tiền đề, điều kiện, nền tảng để đạt được mục tiêu xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, mới có điều kiện chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân và cũng là thước đo uy tín, năng lực, trình độ lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh.
Quan điểm lấy dân làm gốc, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu rõ ràng không phải là câu khẩu hiệu sáo rỗng của các cấp ủy tỉnh Quảng Ninh.
Điều đó thể hiện ở tốc độ tăng trưởng, quy mô nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với các mô hình đổi mới và đột phá.
Kinh tế của Quảng Ninh giữ vững đà tăng trưởng (GRDP) cao, ổn định trên hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022), kể cả trong những giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lập nên kỳ tích trong giai đoạn đổi mới. Năm 2022, GRDP của Quảng Ninh đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 55.000 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt gần 270.000 tỷ đồng (chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng ở khu vực phía Bắc), ước cả năm 2023 đạt 312.420 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020.
Trong 10 năm liền (2013 - 2022), Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước, tạo bước đột phá mới về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông chiến lược, dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn lực nhà nước được đầu tư tập trung, tạo ra lợi thế cạnh tranh mới và nguồn lực, động lực mới. Liên kết vùng ngày càng chặt chẽ; gắn kết hài hòa giữa phát triển đô thị với nông thôn. Diện mạo, cảnh quan của các vùng miền trong tỉnh thay đổi từng ngày.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, trong điều kiện khó khăn, thử thách chưa từng có, nhưng với sự nỗ lực vượt bậc của hệ thống chính trị toàn tỉnh, tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh đạt 9,88%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 41.178 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra…
Dựa vào kinh tế phát triển toàn diện, Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, trong buổi Hội thảo khoa học "Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững" diễn ra tại Khu di tích danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) hôm 26/9 vừa qua, đã nhấn mạnh: “Quảng Ninh lấy con người là trung tâm của phát triển bền vững và mọi sự phát triển đích cuối đều vì hạnh phúc của nhân dân; phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững”.
Đặt trong quan niệm chung đó, Quảng Ninh định hình “nhân dân hạnh phúc” là một giá trị của tỉnh, mọi sự phấn đấu của tỉnh đều hướng tới hạnh phúc của nhân dân, với mục tiêu phấn đấu nhân dân tỉnh Quảng Ninh ngày càng ấm no, tự do, và hạnh phúc. Điều này thể hiện ở cả chỉ số phúc lợi thu nhập và phúc lợi phi thu nhập gắn với các thành tựu phát triển kinh tế và phân bổ thành quả tăng trưởng đầu tư cho phát triển xã hội, phát triển con người, chăm lo cho người yếu thế, phát triển các dịch vụ công cộng,...
Năm 2022, Quảng Ninh có GRDP bình quân đầu người đạt 8.291 USD, gấp đôi bình quân chung của cả nước và cao nhất ở khu vực phía Bắc, ước năm 2023 đạt 9.469 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020. Tỉnh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp và về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Tỉnh đã và đang thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Quảng Ninh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, thông tin - truyền thông chất lượng cao và chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng được mở rộng. Nhiều di tích văn hóa được đầu tư bảo tồn, tôn tạo. Các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa đầu tư, phát triển giáo dục - đào tạo đang được tỉnh quan tâm, nghiên cứu để có cơ chế thu hút.
Tỉnh cũng đang tập trung vào đổi mới căn bản toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nhanh đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, các dịch vụ công có chất lượng cao, nhất là phải chăm lo vấn đề nhà ở công nhân, lao động ngành than, các khu công nghiệp… Quảng Ninh phấn đấu là một “vùng đất lành” và hạnh phúc để con người sống, làm việc, nghỉ ngơi, thụ hưởng và phát triển.
Ở đâu và lúc nào, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” vẫn luôn được phát huy với sự vào cuộc tổng lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân trên những chặng đường phát triển của tỉnh, nhất là ở vào các giai đoạn quan trọng, dù là thời điểm nguy nan hay những lúc huy hoàng.