Xét công nhận tốt nghiệp THCS: Tất cả vì học sinh
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS). Một trong những điểm mới đáng chú ý là các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, mỗi năm xét công nhận tốt nghiệp cho người học không quá hai lần do Sở GDĐT quyết định và bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp.
Tăng số lần xét công nhận tốt nghiệp không quá 2 lần/năm
Theo quy định hiện hành được ban hành từ năm 2006, hiện nay mỗi năm xét công nhận tốt nghiệp THCS một lần, ngay sau khi kết thúc năm học. Việc xét công nhận tốt nghiệp được căn cứ vào kết quả rèn luyện và học tập năm học lớp 9 của người học.
Trong khi đó, dự thảo mới quy định việc xét tốt nghiệp có thể thực hiện hai lần mỗi năm do Sở GDĐT quyết định. Điều kiện để xét tốt nghiệp THCS cũng quy định độ tuổi người học không quá 21 tuổi. Người học được công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông bậc THCS hoặc chương trình Giáo dục thường xuyên bậc THCS trong 9 năm theo quy định.
Người học chưa được công nhận hoàn thành chương trình THCS trong năm học lớp 9 do kết quả học tập cả năm học đó xếp loại “Chưa đạt” hoặc học lực cả năm xếp loại yếu, kém được đăng kí với nhà trường để kiểm tra, đánh giá lại các môn học hoặc đăng ký rèn luyện trong kỳ nghỉ hè của năm học đó để được đánh giá lại và được công nhận công nhận hoàn thành chương trình THCS theo quy định của Bộ GDĐT.
Dự thảo cũng quy định, trường hợp người học chưa được công nhận hoàn thành chương trình THCS khi nghỉ học quá 45 buổi trong năm học lớp 9. Tuy nhiên, học sinh được đăng ký với cơ sở giáo dục để học lại lớp 9 để xét công nhận tốt nghiệp.
Là giáo viên nhiều năm gắn bó với việc dạy học học sinh khối 9, cô giáo Lê Thị Tuyết (Trường THCS Trần Phú, Phủ Lý, Hà Nam) cho rằng, hiện nay việc xét công nhận tốt nghiệp THCS cho học sinh dựa trên hai tiêu chí học lực và hạnh kiểm. Theo đó, học sinh ít nhất phải đạt học lực trung bình và hạnh kiểm trung bình thì mới được tốt nghiệp là hợp lý vì các em không chỉ cần học tập tốt mà còn cần cả đạo đức tốt. Vì vậy, những học sinh nào hạnh kiểm yếu sẽ không được tốt nghiệp mà phải rèn luyện lại. Đây là việc làm cần thiết để giáo dục đạo đức cho học sinh. Để đảm bảo quyền lợi của người học, việc có thể tăng thêm một đợt xét tốt nghiệp thay vì chỉ có 1 đợt như hiện nay là cần thiết giúp học sinh không bị lỡ dở nhiều cơ hội tốt.
Cô Tuyết cũng lưu ý về khoảng cách giữa các đợt xét tốt nghiệp cần hợp lý, đặc biệt nếu những học sinh chưa đạt ở lần xét tốt nghiệp thứ nhất vì lý do hạnh kiểm chưa đạt thì cần có thời gian rèn luyện, phấn đấu và được ghi nhận cụ thể thay vì làm hình thức cho có.
Băn khoăn xếp loại
Dự thảo thông tư này cũng bỏ điều khoản về xếp loại giỏi, khá, trung bình của bằng tốt nghiệp THCS thay vào đó học sinh được công nhận tốt nghiệp sẽ được cấp bằng, không xếp loại.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hoàn toàn ủng hộ phương án này. Những năm gần đây bằng tốt nghiệp THPT đã thực hiện điều này nên việc áp dụng với khối THCS không phải là quá mới mẻ hay không thể thực hiện.
Cụ thể, nhìn từ bằng tốt nghiệp THPT hiện nay đã không xếp loại học sinh theo các thứ hạng giỏi, khá, trung bình mà chỉ công nhận đã tốt nghiệp. Thậm chí, từ năm 2022, Bộ GDĐT tạo bỏ hẳn mục “hình thức đào tạo và giảng dạy” trên bằng tốt nghiệp THPT so với các năm trước nêu rõ học viên tốt nghiệp hệ THPT, hệ bổ túc hoặc hệ vừa học vừa làm. Học sinh dù học theo hình thức nào cũng sẽ được cấp bằng tốt nghiệp trọn vẹn giống nhau. Đây là một tin vui đối với nhiều học viên học hệ giáo dục thường xuyên và cũng được đại diện nhiều trường đại học, cao đẳng ủng hộ với quan điểm coi trọng năng lực thực sự thay vì bằng cấp của mỗi người.
Xét về mặt ý nghĩa, việc không xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS vừa mang ý nghĩa nhân văn, tôn trọng mỗi học sinh vừa thể hiện quan điểm giáo dục theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra.
Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ lo lắng nếu không xếp loại tốt nghiệp sẽ không phân loại được học sinh. Đặc biệt, khi mọi tấm bằng tốt nghiệp như nhau sẽ khiến học sinh không có động lực phấn đấu học tập.
Ông Nguyễn Xuân Phái - Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Lâm (Mỹ Đức, Hà Nội) nhìn nhận, nếu như để xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS là giỏi, khá, trung bình sẽ hợp lý hơn vì sẽ khích lệ được cho các em học sinh học tập. Nếu chỉ xếp loại đạt và không đạt hay không có xếp loại thì học sinh sẽ thiệt thòi, không có sự cố gắng, phấn đấu.
Theo Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 11/2006 của Bộ GDĐT, việc xếp loại tốt nghiệp được quy định như sau: Kết quả tốt nghiệp của người đang học tại các cơ sở giáo dục được xếp thành 3 loại: giỏi, khá, trung bình căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm và xếp loại học lực. Nếu người học thuộc diện không xếp loại hạnh kiểm thì chỉ căn cứ vào kết quả xếp loại học lực. Cụ thể: Loại giỏi: hạnh kiểm loại tốt, học lực loại giỏi; Loại khá: hạnh kiểm từ loại khá trở lên, học lực loại khá hoặc hạnh kiểm loại khá, học lực loại giỏi; Loại trung bình: các trường hợp còn lại.
Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS mới dự kiến được áp dụng từ năm học 2024-2025, là năm tốt nghiệp của lứa học sinh THCS đầu tiên học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018. Dự thảo đang được Bộ GDĐT lấy ý kiến đến hết ngày 2/12/2023.