Phát triển kinh tế - xã hội: Nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp

H.Vũ 17/10/2023 06:33

Ngày 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đánh giá về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Quang cảnh phiên họp.

Đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023

Thẩm tra về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đối mặt khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời giúp tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, ước cả năm có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát. Nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Theo đó, dự kiến 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5%. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Đáng chú ý, lạm phát đã có dấu hiệu đảo chiều tăng trong 3 tháng gần đây, tỷ giá cũng có những biến động mạnh trong tháng 8, tháng 9. Lạm phát cơ bản 9 tháng là 4,49%, cao hơn nhiều so với lạm phát tổng thể sẽ ảnh hưởng đến không gian chính sách tiền tệ, hạn chế việc tăng cung tiền, tăng dư nợ tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng.

Lo ngại năng suất lao động

Theo báo cáo của Chính phủ, bám sát các quan điểm chỉ đạo, điều hành, nhằm phấn đấu cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Chính phủ xác định các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch năm 2024. Trong đó, tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% - 24,2%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 - 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%.

Từ mục tiêu trên, bày tỏ quan điểm đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023, song để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5% - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020 (6,25%) theo Nghị quyết của Quốc hội, ông Thanh đánh giá đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.

Đơn cử, một số chỉ tiêu sẽ rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa như chỉ tiêu GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế.

Cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp như báo cáo của Chính phủ, song Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ.

Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lo ngại, tính đến tháng 9/2023, năng suất lao động mới chỉ tăng 4,8%. Như vậy rất khó đạt được mục tiêu đề ra 5 - 6%.

“Chính phủ cần quan tâm thêm về chất lượng nguồn nhân lực, giúp năng suất, vốn, kỹ thuật công nghệ và năng lực quản trị phát triển. Bởi nguồn nhân lực là động lực nội sinh và cốt lõi của nền kinh tế” - ông Huy nói, và chỉ rõ, đối với 3 đột phá chiến lược, hai yếu tố là thể chế và hạ tầng đã được triển khai tích cực và hiệu quả, nhưng nhân lực vẫn chưa có đột phá trong lĩnh vực này mặc dù đã được quan tâm. Vì vậy, Chính phủ cần nhận diện các điểm nghẽn để có giải pháp cụ thể, gắn với các chương trình, đề án, các giải pháp về khoa học, công nghệ.

Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong suốt từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Chính phủ. Không chỉ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế mà còn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện của Chính phủ như trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội.

Theo ông Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát lại các phương án dự báo đạt khoảng 5% trong năm nay và cho rằng, tuy không đạt nhưng so với tình hình chung của thế giới, đây là kết quả đáng khích lệ.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, dự kiến mục tiêu năm 2023 không đạt, nhưng tăng trưởng 5% vẫn cao so với dự báo, thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao ở khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa IMF đã điều chỉnh dự báo kinh tế toàn cầu chỉ tăng 2,9%. “Có được kết quả tích cực này có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, sự đồng hành của Quốc hội và sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ” - ông Khái cho hay.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong thời gian tới tinh thần phải phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm 2023, hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2024 để góp phần cho hoàn thành nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tiếp thu ý kiến tại Hội nghị trung ương, cần tập trung giải quyết vấn đề ngắn hạn, những vấn đề cấp bách trước mắt mà Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV hay trong các kết luận của Trung ương của Bộ Chính trị đã chỉ rõ. Đồng thời, phải gắn với các mục tiêu dài hạn như: Cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh nền kinh tế cũng như các mục tiêu phát triển lâu dài. Khắc phục hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực như công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch, cổ phần hóa, thoái vốn.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, trong quy hoạch cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình phê duyệt quy hoạch tỉnh, sớm ban hành Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII. Trong kế hoạch triển khai quy hoạch điện phải ban hành sớm, công khai và minh bạch.

Điều chỉnh tiền lương gắn với nâng cao trách nhiệm đội ngũ

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo kế hoạch của Trung ương thông qua và Quốc hội, Chính phủ cũng có kế hoạch, từ 1/7/2024 sẽ tiến hành thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Đây là bước đầu tiên trong thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương, có tính chất cải cách, còn thực chất đã điều chỉnh nhiều lần. Vấn đề quan trọng không chỉ điều chỉnh tiền lương mà còn gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức. Hai việc này đi liền với nhau. “Cải cách tiền lương gắn với vị trí việc làm, gắn với trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức nên phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ. Phải có biện pháp xử lý với những người làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí đưa ra khỏi bộ máy những người thiếu năng lực. Chúng ta phải làm cả hai mặt chứ không chỉ cải cách tiền lương không” - ông Định nêu rõ.

H.Vũ