Không lẽ triều cường là 'bệnh kinh niên'?
Đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch vừa xuất hiện, tuy mực nước không quá cao nhưng cũng đủ tràn vào nhiều khu vực nội thành của TP HCM, tạo ra một “combo” vừa kẹt xe vừa ngập lội. Nhiều người cho biết, hơn 20 năm nay triều cường ở TPHCM đã thành “bệnh kinh niên”. Triều cường lên, nước sông lại tràn qua đường, ập vào nhà khiến người dân thấp thỏm, lo âu.
Trong khi đó, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, vào ngày 17/10, đỉnh triều đợt này có thể xuất hiện. Thời gian là 4-6 giờ và 17-19 giờ. Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP HCM đã phải ra công văn khẩn yêu cầu các sở, ban ngành chức năng, cơ quan đơn vị liên quan, UBND TP Thủ Đức và các quận/huyện chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó đợt triều cường kết hợp mưa lớn này.
Để đối phó với nạn triều cường, thời gian qua TP HCM đã đưa ra nhiều biện pháp, đầu tư cũng rất lớn cho các công trình thoát nước, chống ngập. Nhưng có vẻ đều như còn dang dở. Năm nay, nhiều khu vực ở TP HCM ngập nặng vì mưa lớn, triều cường dâng cao và rút chậm hơn bình thường. Đó là điều rất đáng lo ngại khi mà “vào mùa” triều cường sẽ dâng mỗi tháng 2 lần, từ 2 giờ đến 4 giờ sáng và từ 17 giờ đến 19 giờ chiều, kéo dài trung bình 3 ngày/đợt. Nước ngập bủa vây khiến xe cộ chết máy, buôn bán, sinh sống gặp rất nhiều phiền toái.
Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM, chế độ thủy triều tại TP HCM lên xuống hai lần trong một ngày (vào đầu tháng và giữa tháng, âm lịch). Càng ngày tần suất đỉnh triều ở mức cao trên +1,50 m càng gia tăng. Từ năm 2006 đến 2010 xuất hiện 15 lần. Nhưng từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm đỉnh triều ở mức cao trên +1,50m đã xuất hiện gấp 2-3 lần giai đoạn 2006 đến 2010.
Đã có nhiều hội thảo nhằm tìm nguyên nhân TP HCM bị ngập do triều cường, cùng đó là kiến nghị giải pháp. Về nguyên nhân, trước hết là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng tràn vào các dòng sông. TP HCM lại là vùng đất thấp nên hậu quả càng rõ ràng hơn. Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân “tất nhiên” đó, nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị đã đặt vấn đề cần nhận diện nguyên nhân từ phía con người. Dễ thấy nhất là tình trạng san lấp kênh, rạch trong một thời gian dài đã làm thu hẹp không gian điều hòa nước. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác nước ngầm, làm sụt lún nền đất diễn ra liên tục và ngày càng tăng, khoảng 2-5cm mỗi năm. Riêng những khu vực tập trung các công trình thương mại, tốc độ lún khoảng 7-8 cm mỗi năm.
Theo giới khoa học, tốc độ lún nền đất tại TP HCM cao gấp 2 lần mực nước biển dâng.
Việc “bê tông hóa thành phố” được xem là nguyên nhân quan trọng nhất. Nhiều khu vực vốn điều hòa nước cũng bị san lấp, xây dựng. TS Nguyễn Bách Phúc (Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP HCM) từng cho rằng, biến đổi khí hậu dù có tác động nhưng không thể gây ảnh hưởng nhanh đến TP HCM như vậy. Ông Phúc không nghiêng về giả thiết nguyên nhân triều cường ngày càng cao là biến đổi khí hậu, bởi thực tế từ năm 1995 đến 2010 nước biển chỉ dâng tối đa 2cm trong khi thủy triều ở TP HCM lại dâng 20-25cm và có thể cao hơn nữa. Theo ông, các vùng sình lầy ở quận 7, Nhà Bè vốn là nơi thoát nước cho toàn thành phố nhưng đã bị san lấp hết để xây dựng công trình nhà cửa. Vì thế chống ngập theo kiểu “giật gấu vá vai” thì có bao nhiêu tiền đi nữa cũng khó hiệu quả.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, triều cường tràn vào trung tâm thành phố nước rút rất chậm là do không rút được theo cách tự nhiên (ngấm xuống đất), trong khi các công trình thoát nước không đáp ứng được, nên nước đọng lại lâu.
Như vậy, không lẽ cứ để nước lên rồi lại xuống? Không lẽ cứ mỗi đợt triều cường TP HCM lại lo chống ngập? Nhiều ý kiến cho rằng trước mắt, cần tập trung triển khai nhiều dự án thoát nước, chống ngập. Bên cạnh đó phải rất đồng bộ trong quá trình xây dựng, bảo đảm hệ thống thoát nước. Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, thông thường với các nước phát triển, cầu cống, đường sá xây dựng xong xuôi thì mới xây nhà. Còn nếu như mặt đất bị bê tông hóa, nhà cao tầng mọc lên, dân cư đến sống đông đúc mới bắt đầu xây dựng hoặc nâng cấp hệ thống thoát nước, thì sẽ không bao giờ hết ngập.
Điều đó được gọi là tầm nhìn trong quy hoạch và phát triển.