Giới chuyên môn nói gì về tranh cãi trong 'Đất rừng phương Nam'?
Các nhà làm phim, đạo diễn nêu lên nhiều quan điểm khác nhau giữa tranh cãi về yếu tố lịch sử trong phim "Đất rừng phương Nam".
Đạo diễn “Tro tàn rực rỡ” chia sẻ: “Một bộ phim truyện luôn luôn được định nghĩa là hư cấu, tưởng tượng, dù được chuyển thể, phóng tác, lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật. Do đó, để có những bộ phim hay, tác giả cần phải để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng và đi xa hết mức có thể, thậm chí thoát ly hoàn toàn khỏi thực tế mà bộ phim dựa vào.
Giống như các loại hình nghệ thuật khác, một bộ phim truyện làm ra để khán giả khám phá thế giới tưởng tượng của tác giả. Một bộ phim truyện hư cấu tuyệt đối không phải là “bằng chứng lịch sử” hay là “căn cứ thực tế” cho bất cứ một luận điểm nào, chủ thuyết nào”.
Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, khán giả hoàn toàn có quyền đánh giá một bộ phim về tất cả những gì mà tác phẩm thể hiện. Đơn cử, phục trang không đúng thời kỳ lịch sử, đạo cụ không đúng, bối cảnh sai....
“Nhưng, phán quyết cuối cùng của khán giả đưa ra một cách văn minh là, bộ phim này hay hoặc dở, tôi thích hay không thích, thế thôi. Nếu phán quyết của khán giả chuyển sang cái nhìn đúng – sai, ví dụ như làm hiểu sai vai trò của cách mạng hoặc làm sai lệch sự thật lịch sử hoặc góp phần làm tăng số lượng tội phạm... từ đó dẫn đến việc đòi cắt xén bộ phim, thậm chí là đòi cấm chiếu bộ phim thì thực sự những khán giả đó đang không công bằng với bộ phim” – đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đưa quan điểm.
Đạo diễn “Tro tàn rực rỡ” đề cao trí tưởng tượng của người làm nghệ thuật. Khi trí tưởng tượng không được bay bổng nữa, nghệ thuật sẽ chết.
Cuối cùng, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khẳng định: “Sự tranh cãi là cần thiết và tích cực nhưng xin đừng cực đoan. Nghệ sĩ yếu ớt và nhạy cảm, họ không muốn cãi và không thể cãi lại được với những "lý luận sắc bén, những lập luận chặt chẽ, những bằng chứng xác đáng không thể bác bỏ" của những khán giả cực đoan. Họ chỉ có thể ngừng tưởng tượng. Chắc không khán giả nào mong muốn người nghệ sĩ sẽ ngừng tưởng tượng, kể cả những khán giả cực đoan nhất. Vì như thế sẽ chẳng còn phim hay để xem nữa”.
Dưới góc nhìn của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đây là bộ phim chỉn chu: "Xem phim mà mỗi khung hình đều làm mình rung động, vì mình thấy được anh em đoàn phim đã phải dụng công thế nào. Thị trường phim của Việt Nam mình không cho phép các nhà làm phim có thể làm phim với kinh phí quá lớn, vì vậy mà khi thấy mỗi bộ phim hoành tráng được ra rạp, thì mình lại mong phim sẽ thành công để mở đường cho những bộ phim lớn khác sau đó sẽ được đầu tư. Nếu không, các nhà đầu tư sẽ chỉ muốn làm các phim kinh phí thấp.
"Đất rừng phương Nam" là bộ phim quan trọng của nhà HKFilm, một phim "màu cờ sắc áo". Với mình, đây có lẽ là phim đánh dấu cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp phim ảnh của anh Nguyễn Quang Dũng và các anh em khác trong đoàn".
Đạo diễn "Em và Trịnh" cũng nêu quan điểm khi được hỏi về Trấn Thành (vai bác Ba Phi) và Mai Tài Phến (vai Võ Tòng). Theo đó, Phan Gia Nhật Linh bày tỏ cảm nhận khi ra rạp rằng "Võ Tòng" Mai Tài Phến chưa cất tiếng mà ba lần xuất hiện là khán giả trong rạp vỗ tay; còn "bác Ba Phi" Trấn Thành có thể không mang đến tiếng cười nhưng có thể mang đến cho mình lâng lâng cảm xúc về lòng yêu nước.
Nam đạo diễn cũng đánh giá cao dàn diễn viên của "Đất rừng phương Nam" từ Tiến Luật hay Tuấn Trần cuốn hút tới mức dù biến mất từ giữa phim đến gần cuối mà nhiều người vẫn bảo "phim này làm như Út Lục Lâm vai chính". "Bất ngờ với Băng Di, đây là lần đầu mình để ý tên bạn này và biết về bạn, nhưng vai diễn Tư Mắm quá xuất sắc đến mức cái kết của nhân vật khiến khán giả vỗ tay rần rần. Và cuối cùng, bất ngờ với bé Hạo Khang, linh hồn của bộ phim, và bé Bảo Ngọc, trái tim của bộ phim. Khang và Ngọc - An và Xinh - quá trong trẻo tinh khiết với sự hồn nhiên chân thật trong vắt làm mình yêu quá yêu thêm bộ phim.
Phim đem đến tiếng cười, nước mắt, và cả sự rung động về lòng tự hào dân tộc, về khí chất của con người miền Nam, và con người Việt Nam. Xem phim thấy yêu quê hương mình hơn, và yêu cái nghề của mình hơn", Phan Gia Nhật Linh đánh giá.
Với một đạo diễn truyền hình như Trịnh Lê Văn, anh hài hước chia sẻ: "Già rồi nên chả còn hơi sức cãi cọ với các "thánh". Ngắn gọn là phim nào cũng vậy, có chỗ hay, có chỗ chưa được như mong muốn, phim có người thích có người không thích là bình thường. Đạo diễn tài mấy cũng có lúc không tránh khỏi sơ xuất.
Nhưng những ý kiến gọi là "trái chiều" đối với "Đất rừng Phương Nam", vừa qua, có vẻ muốn tìm cách đưa số đông vào sự bán tín bán nghi là bộ phim đã bóp méo, làm sai lệch lịch sử...theo tôi là chủ quan và ác ý.
Ở Việt Nam, cố gắng làm ra bộ phim tử tế sao nhọc nhằn đến vậy, người làm phim đã mệt,nhưng gồng mình cảnh giác với thị phi rình rập còn mệt gấp mười. Thật là người đi cày dưới ruộng thì ít, mà cường hào lý trưởng đứng trên bờ lại quá đông".
Phim “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có suất chiếu sớm cho báo chí và khán giả vào ngày 13/10. Tuy nhiên, sau khi bộ phim ra rạp đã vấp phải nhiều tranh cãi khác xa về nguyên tác; thậm chí vai trò của bé An (nhân vật chính) còn bị lu mờ so với tuyến phụ.
Đặc biệt, nhiều ý kiến trái chiều về nội dung, cho rằng nhiều tình tiết trong phim đã xuyên tạc lịch sử khi đề cao vị thế Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn, hạ thấp vai trò Việt Minh...
Xoay xung quanh những tranh cãi về yếu tố lịch sử trong phim “Đất rừng phương Nam”, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Điện ảnh - cho biết, đại diện nhà sản xuất đề xuất phương án chỉnh sửa phim.
Theo đó, phim sẽ bỏ tên Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn ra khỏi các lời thoại, thay bằng tên Chính Nghĩa hội và Nam Hòa đoàn.
Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) Vi Kiến Thành nói thêm, mục đích của việc này vì đoàn làm phim muốn hoàn thiện tác phẩm và đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người xem về bộ phim "Đất rừng phương Nam".