Từ chối vào đại học?

Hàn Minh 18/10/2023 07:27

Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023 có gần 118.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống của Bộ nhưng không xác nhận nhập học đợt 1. Trước đó, năm 2022, có gần 104.000 thí sinh không xác nhận nhập học đợt 1. Lý giải cho con số hơn 100.000 thí sinh không nhập học đợt 1 có nhiều nguyên nhân như không thích ngành, trường trúng tuyển, chờ xét tuyển bổ sung. Một số khác đi làm, học chương trình liên kết, đi du học… Còn một phần trong đó quyết định từ chối cơ hội vào đại học (ĐH) để học cao đẳng (CĐ).

Hiện số học sinh học các trường nghề đang tăng lên. Ảnh: Mỹ Quyên.

Thông tin từ Trường CĐ Truyền hình, trong số sinh viên nhập học năm nay, có tới 30% các em đã đủ điều kiện trúng tuyển nhiều trường ĐH nhưng không theo học. Đây là lựa chọn của các em về con đường lập thân, lập nghiệp không chỉ duy nhất là cánh cửa ĐH. Đồng thời cũng phản ánh một thực tế là ngày nay nhiều người trẻ không còn quá nặng nề chuyện học ĐH hay CĐ mà quan trọng là chọn đúng ngành nghề và nắm bắt được xu hướng, nhu cầu của thị trường việc làm.

Cũng cho rằng ngày nay thế hệ trẻ thực tế hơn trước, ThS Lê Anh Tiến - CEO Công ty cổ phần Chatbot Việt Nam, một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu lĩnh vực kinh doanh - khởi nghiệp năm 2019 chỉ ra hai xu hướng hiện nay. Nếu bạn nào xác định đi theo con đường học vấn sẽ học ĐH, mất từ 3-4 năm. Còn bạn nào muốn sớm đi làm sẽ chọn học nghề.

Ông Tiến nhấn mạnh, nói như thế không phải là học ĐH không có ý nghĩa. Mỗi một quyết định cần suy xét kỹ lưỡng về hoàn cảnh, điều kiện và thực lực của bản thân. Quan trọng nhất là xác định rõ mình muốn gì và phù hợp với điều gì để chọn hướng đi đúng đắn.

Mặc dù đến nay vẫn chưa có thống kê cụ thể về kết quả tuyển sinh của các trường nghề, song theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), năm 2022, các trường nghề tuyển được gần 2,45 triệu học viên, tăng 500.000 người so với năm 2021 và cao nhất trong 5 năm qua. Sở Lao động - Thương binh và xã hội TPHCM cũng ghi nhận, tính đến tháng 7/2023, số học viên nghề ở thành phố là hơn 370.000, tăng hơn 150.000 người so với năm 2021 và vượt gần 2% so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó, trình độ CĐ chiếm nhiều nhất với hơn 177.000 người; trung cấp (hơn 126.000), còn lại là trình độ sơ cấp (hơn 33.800).

Lợi thế của giáo dục nghề nghiệp đó là số lượng ngành, nghề lớn. Hiện bậc trung cấp có khoảng 800 ngành, nghề, cao đẳng 400, chưa tính trình độ sơ cấp và các khóa học ngắn hạn, lấy chứng chỉ. Người học có thể thuận lợi tìm thấy ngành học, hình thức học phù hợp với chi phí hợp lý so với điều kiện nhiều gia đình. Trong khi đó, thời gian học ngắn, chương trình đào tạo gắn với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp khi các trường nỗ lực liên kết, hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo ra nhân lực đáp ứng yêu cầu tuyển dụng luôn, không cần qua đào tạo lại.

Đại diện Trường CĐ Cơ điện Hà Nội thông tin, khi xây dựng chương trình đào tạo hiện nay, nhà trường chú trọng đưa thời lượng 70% dành cho thực hành còn lại là lý thuyết giúp người học không bỡ ngỡ khi gia nhập thị trường lao động. Đặc biệt, phòng học thông minh, máy móc hiện đại khiến việc đào tạo sát thực tế. Từ đây, cơ hội việc làm rộng mở khiến cho người học, xã hội tin tưởng vào lựa chọn của mình là chuẩn xác và hào hứng với chương trình học.

Hàn Minh