Nhiều công trình kỳ vọng thay đổi cảnh quan TPHCM
Việc triển khai một số dự án hạ tầng ven sông Sài Gòn đoạn chạy qua TPHCM được kỳ vọng mang tới đổi thay lớn về cảnh quan.
Trên đoạn sông 40km chảy qua TPHCM trong đó gần một nửa qua quận 1 và TP Thủ Đức, chưa có nhiều công trình công cộng nổi bật, ngoại trừ khu vực bến Nhà Rồng ở quận 4, bến Bạch Đằng ở quận 1.
Tuy nhiên, thực tế trên sẽ thay đổi khi nhiều dự án hạ tầng ven sông Sài Gòn đang được triển khai. Một trong số đó là cầu vượt đi bộ bắc qua sông Sài Gòn. Theo kế hoạch, công trình dài 500m nằm giữa cầu Ba Son và hầm Thủ Thiêm. Một đầu cầu ở khu vực bến Bạch Đằng (quận 1) và đầu còn lại nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Cầu có thiết kế hình lá dừa nước, loại cây đặc trưng của khu vực phía Nam. Đây là dự án có vốn tư nhân, khởi công cuối tháng 4/2025. Hiện nay tại TPHCM có nhiều cầu bắc qua sông Sài Gòn như cầu Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, cầu Ba Son nhưng chỉ phục vụ mục đích giao thông. Cầu vượt đi bộ mang đến lợi ích về cảnh quan, du lịch, vui chơi giải trí. Khi hoàn thành, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn kết nối công viên Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ và khu đô thị Thủ Thiêm… tạo thành không gian vui chơi, giải trí.
Ngoài cầu đi bộ, dự án cải tạo nâng cấp bến Bạch Đằng cũng đang nhận được nhiều quan tâm. Theo kế hoạch, Sở Giao thông vận tải TPHCM sẽ xây dựng thêm một số công trình như cầu tàu, nhà vệ sinh, nhà để xe, đường đi bộ có mái che, nhà hàng… để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân. Hiện nay, khu vực bến Bạch Đằng (dài khoảng 1,3 km) ở trung tâm quận 1 đang là nơi khai thác một số tuyến buýt đường sông, tàu cao tốc. Dự kiến, một số tuyến vận tải thủy khác sẽ được mở thêm. Khu vực bến Bạch Đằng cũng sẽ được kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ bằng cầu vượt. Hiện đây là không gian vui chơi giải trí công cộng đông đúc nhất TPHCM và sẽ càng nhộn nhịp hơn khi các dự án ven sông Sài Gòn hoàn thành.
Bên cạnh đó, dù chưa chính thức được phê duyệt nhưng thông tin về việc TPHCM cân nhắc triển khai xây dựng 2 tuyến đường ven sông Sài Gòn từ khu vực quận 1 nối liền TP Thủ Đức, quận 12, Củ Chi… cũng nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Dự án với nhiều hạng mục được kỳ vọng làm thay đổi hoàn toàn không gian ven sông theo hướng tích cực hơn. Hiện nay một số khu vực ven sông Sài Gòn đã được quy hoạch, xây dựng và khai thác nhưng nhìn chung còn manh mún, rời rạc.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, tuyến đường ven sông Sài Gòn đang từng bước được rà soát, điều chỉnh để đưa vào quy hoạch chung. Do sông Sài Gòn đi qua địa bàn tỉnh Tây Ninh và Bình Dương nên dự án cũng được lấy ý kiến các địa phương và triển khai song song. “TPHCM và các tỉnh sẽ xây dựng không gian ven sông Sài Gòn đẹp và xứng đáng với tiềm năng của dòng sông. Điều này đem lại sự thuận lợi về giao thông, tạo ra ảnh hưởng tích cực tới cảnh quan, du lịch chung của cả khu vực” - ông Lâm nói.