Vụ khai thác quặng Apatit ở Lào Cai: Vì sao Công ty Hoá chất Đức Giang Lào Cai không bị khởi tố?
Viện KSND tỉnh Lào Cai vừa ban hành cáo trạng để truy tố các bị can ra trước tòa về các tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Rửa tiền” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” trong vụ án khai thác quặng trái phép xảy ra tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai.
Theo cáo trạng, từ năm 2012 - 2015, Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama (Cty Lilama) tổ chức khai thác quặng apatit trái phép ở thôn 2, xã Đồng Tuyển và bán cho Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (Cty Apatit), Công ty Phốt Pho Vàng Việt Nam (Cty Phốt Pho Vàng), Công ty Cổ phần hoá chất Đức Giang Lào Cai (Công ty Hoá chất Đức Giang Lào Cai) là hơn 1,5 triệu tấn quặng, thu lợi số tiền hơn 171 tỷ đồng.
Trong đó, từ ngày 8 - 26/9/2014, bị can Nguyễn Mạnh Thừa (Giám đốc Cty Lilama) đã trực tiếp thoả thuận, thương thảo và chỉ đạo Nguyễn Quang Triệu (PGĐ Cty Lilama) ký hợp đồng bán quặng apatit loại I khai thác trái phép tại khu vực 3,77ha Khai trường 18, thôn 2, xã Đồng Tuyển cho Cty Hoá chất Đức Giang Lào Cai trên 71 nghìn tấn (thu về hơn 80 tỷ đồng), bán cho Cty Phốt Pho Vàng hơn 19 nghìn tấn (thu về hơn 25 tỷ đồng). Toàn bộ số lượng quặng đã mua của Cty Lilama, 2 công ty trên đã tiến hành nhập kho và đưa vào sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy của đơn vị mình. Hơn 1,3 triệu tấn quặng apatit còn lại Cty Lilama bán cho Cty Apatit.
Mặc dù 3 công ty trên đều mua quặng apatit của Cty Lilama, tuy nhiên, Cơ quan điều tra chỉ đề nghị truy tố Cty Apatit.
Theo đó, Viện KSND tỉnh Lào Cai truy tố các bị can Nguyễn Quang Huy (nguyên TGĐ Cty Apatit), Phạm Cao Khiêm (cựu Phó Tổng Giám đốc Cty Apatit), Nguyễn Ngọc Bích (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Apatit), Lương Văn Na (cựu Phó Tổng Giám đốc Cty Apatit), Cao Văn Tham (cựu Phó Trưởng phòng kế hoạch thị trường Cty Apatit), Nguyễn Văn Bình (nguyên thành viên Hội đồng thành viên Cty Apatit), Nguyễn Văn Chung về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đối với 2 công ty còn lại, theo Cáo trạng: Ngày 14/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 41/QĐ-CSKT, trưng cầu Sở Tài chính tiến hành giám định về tài chính để xác định số tiền lợi nhuận mà Cty Phốt Pho Vàng và Cty Hoá chất Đức Giang Lào Cai thu được từ việc ký hợp đồng mua bán quặng của Cty Lilama.
Ngày 5/5/2023, Sở Tài chính tỉnh có Văn bản số 918/STC-QLG&TSC thông báo về việc không đủ cơ sở thực hiện giám định tư pháp về tài chính theo quy định đối với các nội dung trưng cầu tại Quyết định số 41/QĐ- CSKT ngày 14/3/2023.
Căn cứ kết luận giám định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 26/6/2023, Cơ quan CSĐT đã ra yêu cầu định giá tài sản số 619/YC-ĐGTS, yêu cầu Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Lào Cai xác định trị giá của các loại quặng apatit loại I, loại II, loại II có trong diện tích 3,77ha thuộc Khai trường 18, tại thôn 2, xã Đổng Tuyển mà UBND tỉnh Lào Cai cho phép Cty Lilama khai thác và tiêu thụ trái phép trong quá trình thi công dự án khách sạn, nhà hàng.
Ngày 6/7/2023, Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Lào Cai đã ban hành Kết luận định giá tài sản số 113/KL - HDĐG, kết luận số quặng apatit mà Cty Lilama đã khai thác là 1.589.035 tấn quặng apatit các loại có trị giá 689,29 tỷ đồng.
Cũng theo cáo trạng, đối với Cty Phốt Pho Vàng và Cty Hóa chất Đức Giang Lào Cai quá trình điều tra xác định tại thời điểm xảy ra vụ án đều không biết việc Nguyễn Mạnh Thừa (Giám đốc Cty Lilama) khai thác quặng apatit tại thôn 2, xã Đồng Tuyển là trái phép nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.