Nước mắt nơi làng chài ven biển

Tấn Thành - Chí Đại 18/10/2023 15:19

Ngày 18/10, nhiều người thân, bà con hàng xóm ở làng chài ven biển xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đến nhà để thăm hỏi, động viên gia đình, thân nhân của các ngư dân bị nạn và ngóng chờ tin tức của họ. Trong khi đó công tác cứu nạn, cứu hộ vẫn đang tiếp tục được triển khai.

Lấy chng đi biển "hồn treo cột buồm"

Nỗi buồn bao trùm căn nhà cấp 4 đơn sơ của chị Mai Thị Nghị, ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, chị Nghị có chồng là anh Đinh Văn Phương đi trên tàu cá QNa 90129 TS bị chìm ở vùng biển Trường Sa lúc 19h30 ngày 16/10. Người thân của chị cho biết, kể từ khi nghe tin chồng mất tích, chị Nghị khóc suốt, người bơ phờ chẳng thiết ăn uống gì.

Chị Mai Thị Nghị lo lắng cho chồng mình.

Lúc tỉnh táo, qua trao đổi với chúng tôi trong nước mắt chị Nghị cho hay, chồng chị có hơn 20 năm nghề biển và gắn bó với tàu QNa 90129 gần 8 năm qua. Ngày 5/10, anh Phương đưa thuyền thúng cùng các vật dụng hành nghề lên tàu QNa 90129 TS để ra khơi hành nghề câu mực. Cùng đi chuyến biển này có 54 thuyền viên. Mùa này đi biển khoảng 1 tháng đến 2 tháng sẽ về, nếu thời tiết xấu thì vào bờ sớm hơn.

“Chuyến biển này, sau khi ra tới vùng biển Trường Sa lúc chuẩn bị thả thúng chèo để câu mực anh gọi về cho biết mọi việc vẫn bình an, thuận lợi. Thế nhưng không may chồng tôi lại gặp nạn, chưa biết sống chết ra sao. Giờ tôi mới hiểu câu ông bà để lại “lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm”. Đau đớn quá, chỉ mong các cơ quan chức năng, bà con ngư dân ngoài khơi tìm kiếm được chồng tôi và những người mất tích bình an trở về. Đó là điều mong muốn lớn nhất của tôi lúc này”, chị Nghị chia sẻ.

Chị Phạm Thị Liên cũng đang lo lắng khi chồng gặp nạn trên biển.

Cùng chung lo lắng, chị Phạm Thị Liên ở xã Tam Quang, có cha là ông Phạm Văn A và chồng là anh Nguyễn Ngọc Pháp cùng hành nghề câu mực trên tàu QNa 90129, họ đã gắn bó với tàu này hơn 10 năm. Chuyến biển gần đây họ xuất bến để câu mực khơi, thường kéo dài trong 2 tháng. Thế nhưng ra khơi chưa được bao lâu thì gặp nạn. Hiện cha chị đã được cứu vớt, còn chồng thì chưa tìm thấy được.

Chị Liên đang mang thai đứa con thứ 3 được hơn 6 tháng, sức khỏe đã yếu lại nhận thông tin chồng gặp nạn trên biển, chị bất an, không thể nào ngủ được. Chị khóc đến nỗi 2 con mắt đỏ hoe. Chị Liên vẫn nuôi hy vọng chồng được tìm thấy và bình an trở về với mẹ con chị. Hiện tại có rất đông bà con, hàng xóm đã đến bên cạnh động viên, an ủi chị trong lúc gặp hoàn cảnh khó khăn này.

Chị Liên vừa nói, vừa khóc: “Chồng tôi nói đi chuyến biển này sẽ về ở nhà phụ tôi sinh con, ai ngờ anh ấy đã gặp nạn, đang mất tích trên biển. Tôi mong sao lực lượng cứu hộ sớm tìm thấy chồng tôi, đưa vào đất liền bình an, khỏe mạnh. Tôi lo lắng quá bà con ơi”. Nói đến đây chị lại khóc, khiến những người có mắt tại đây khó cầm nước mắt.

Anh Đinh Văn Minh chia sẻ về sự nguy hiểm của nghề biển.

Là người thân của ngư dân Đinh Văn Phương, anh Đinh Văn Minh mong chờ tàu cứu nạn sớm tìm thấy các ngư dân mất tích. Anh Minh chia sẻ, ngư dân làng chài các xã ven biển như Tam Quang, Tam Giang, huyện Núi Thành chuyên hành nghề câu mực đêm. Sau khi đưa ngư dân và thúng từ đất liền ra đến vùng biển đánh bắt hải sản, chủ tàu sẽ thả các ngư dân và thúng theo từng khu vực khác nhau. Mỗi nhóm sẽ có từ 3 đến 5 ngư dân, mỗi người một thúng cùng câu mực quanh khu vực quy định. Chuyến câu đêm bắt đầu từ 4h chiều hôm trước đến 4h sáng hôm sau chủ tàu sẽ đi đón các ngư dân, thúng về tàu nghỉ ngơi.

“Mỗi thúng và ngư dân đều có định vị và một bộ đàm liên lạc với tàu. Anh em ngư dân câu mực xuyên đêm, trôi nổi ở khắp nơi, tìm kiếm nhau qua định vị. Nói thì như vậy, nhưng nghề này nguy hiểm không lường được, nhất là gặp lốc xoáy. Ban ngày thì còn chạy tránh được chứ lốc xoáy ban đêm thì khó tránh, chưa nói sóng to gió lớn và nhiều chuyện hiểm họa khác rình chờ. Do đó ông bà nói rất đúng “lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm”. Chồng ra khơi thì các bà vợ ở nhà cầu nguyện hằng đêm với bao nhiêu nỗi lo sợ. Khi nào chồng về bến mới biết được chuyến biển bình an”, anh Minh chia sẻ.

Tiếp tục nỗ lực cứu ngư dân

Ngay sau khi xảy ra sự cố 2 tàu cá có 93 ngư dân bị chìm, tỉnh Quảng Nam đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp. Các lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và đã cứu được 78 ngư dân trên hai tàu bị chìm QNa 90927 và QNa 90129.

Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: “Đây là sự việc xảy ra quá đột ngột, không ai lường được và thật sự quá đau lòng. Hiện nay lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã ra đến vùng biển ngư dân gặp nạn với nhiều phương tiện, cùng với bà con ngư dân hành nghề ngoài khơi nỗ lực hết mình để tìm kiếm ngư dân mất tích. Chúng tôi trông mong những người bị mất tích sớm được tìm thấy và trở về bình an”.

Bà con hàng xóm đến động viên, an ủi thân nhân ngư dân gặp nạn.

Trong khi đó, sáng 18/10, Đại tá Trần Tiến Hiền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, tàu Cảnh sát biển 8002 đã tiếp cận tàu QNa-90039 TS để hỗ trợ y tế và chăm sóc sức khỏe cho ngư dân. Theo đó, trong đêm 17/10, tàu Cảnh sát biển 8002 đã tiếp cận được 38 ngư dân tàu QNa 90129 bị nạn và hỗ trợ chăm sóc y tế, động viên các thuyền viên. Đến thời điểm này, sức khỏe của 38 ngư dân bình thường vì được vớt ngay sau khi tàu chìm, được chăm sóc sức khỏe kịp thời. Nhiều ngư dân có nguyện vọng tiếp tục ở trên các tàu cá, cùng bà con ngư dân tham gia tìm kiếm cứu nạn những người mất tích.

Còn Thượng tá Trương Bá Long, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng cảnh sát biển 2 cho biết, các đơn vị cứu hộ, cứu nạn đã phối hợp rất chặt chẽ, phân công khu vực tìm kiếm; phát huy hết các phương tiện, năng lực, khả năng, thiết bị trên tàu để chạy đua với thời gian cứu ngư dân của chúng ta.

Lực lượng chức năng đang chỉ đạo tìm kiếm ngư dân mất tích trên biển.

Trong khi đó, Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, trên khu vực 2 tàu bị nạn hiện có 11 phương tiện, gồm 4 tàu của Bộ Quốc phòng, 7 tàu cá của ngư dân đang tích cực tìm kiếm các ngư dân mất tích. Thời tiết khu vực này có sóng gió cấp 3, 4 và tàu Cảnh sát biển 8002 tiếp cận QNa 90039 TS để hỗ trợ y tế và chăm sóc sức khỏe cho các ngư dân bị nạn. Lúc 20h ngày 17/10 có 1 máy bay và 1 tàu nước ngoài tham gia tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, dù rất nỗ lực tìm kiếm nhưng đến 9h ngày 18/10 vẫn chưa phát hiện thêm ngư dân mất tích.

Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp vụ 2 tàu cá QNa 90129 TS và QNa 90927 TS bị chìm cho biết, hiện nay công tác cứu hộ cứu nạn các ngư dân mất tích vẫn đang được các lực lượng nỗ lực với mong muốn sớm tìm được những ngư dân không may gặp nạn để đưa bà con trở về bình an.

Sự việc 2 tàu cá QNa 90129 TS và QNa 90927 TS bị chìm, 2 ngày qua Báo Đại Đoàn Kết online đã đưa nhiều tin, bài phản ánh kịp thời với mong muốn sớm tìm thấy các ngư dân gặp nạn để đưa về với gia đình an yên.

Tấn Thành - Chí Đại