Bất cập trong quản lý đất đai, xác định giá đất
Ngày 18/10, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Diễn đàn “Phát hiện những nút thắt trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-Vai trò của Kiểm toán nhà nước”.
4 điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng đất đai
Tại hội thảo chuyên đề: Quản lý đất đai và xác định giá đất-Những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động KTNN, nhiều ĐB quan tâm đến việc làm sao xác định giá đất sát với giá thị trường. Phát biểu tại đây, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, thời gian qua, việc quản lý và sử dụng đất đai đã tạo dựng được nguồn lực to lớn cho xây dựng và phát triển hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Cùng với quá trình đô thị hóa, việc vốn hóa đất đai, phát triển thị trường bất động sản được thực hiện mạnh mẽ.
Đơn cử, từ năm 2017 đến năm 2021, nguồn thu từ đất đai luôn đóng góp từ 12% đến 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Tại nhiều địa phương, số thu từ đất đai chiếm tới trên 30% ngân sách địa phương và là nguồn vốn chính cho đầu tư công. Đất đai cũng là điều kiện vật chất hàng đầu để thực hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp, dịch vụ. Trong lĩnh vực nông nghiệp-mà đất đai là tư liệu sản xuất chính, chúng ta cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thời gian dài vừa qua. Hiện, nông nghiệp cũng đang là trụ cột chống đỡ chính của kinh tế trong giai đoạn khó khăn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua kết quả kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, trong thời gian qua, việc quản lý, sử dụng đất đai còn một số vấn đề bất cập, hạn chế, vướng mắc. Ví như, thứ nhất, chưa tạo dựng được một hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhất là sử dụng cho phát triển kinh tế. Thứ hai, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tính ổn định lâu dài. Thứ ba, thu hồi đất khi chưa đảm bảo các điều kiện và trình tự, thủ tục theo quy định; giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất còn thấp, chưa sát với giá thị trường. Thứ tư, việc áp dụng các phương pháp định giá đất trong thực tiễn còn bất cập.
Phương pháp xác định giá đất chưa phù hợp
Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, công tác quản lý và sử dụng đất còn không ít tồn tại, hạn chế. Một số quy định của pháp luật về giá đất đã không còn hiệu quả trong thực tiễn, bộc lộ một số hạn chế. Đơn cử như một số phương pháp xác định giá đất chưa phù hợp điều kiện thực tế về thông tin thị trường quyền sử dụng đất và công tác quản lý nhà nước về giá đất trong bối cảnh cơ sở dữ liệu về giá đất chưa hoàn thiện. Quy định về nội dung, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất có điểm chưa phù hợp, chưa cụ thể dẫn đến có trường hợp một thửa đất áp dụng các phương pháp khác nhau cho các kết quả khác nhau khiến địa phương lúng túng trong lựa chọn.
“Bảng giá đất tại một số địa phương còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Quy định về việc lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất phải căn cứ vào kế hoạch định giá đất cụ thể, tuân thủ pháp luật về đấu thầu, dẫn đến một số trường hợp không lựa chọn được đơn vị tư vấn thực hiện, kéo dài thời gian, làm chậm tiến độ định giá đất”-ông Chính cho hay.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện vướng mắc về mặt pháp lý là cái lớn nhất chiếm 70% khó khăn doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. Theo đó, có một số quy định thiếu đồng bộ, thống nhất; quy định ở luật này khác với luật khác, có văn bản dưới luật như: Nghị định, Thông tư, văn bản của UBND các tỉnh đang “vướng” với luật. Do đó tận gốc là phải sửa Luật Đất đai bởi bảng giá đất xây dựng cho chu kỳ 5 năm nhưng bảng giá đất lại không sát với thị trường.
Theo ông Châu, Nhà nước cần xác định giá đất, quyết định giá đất để điều tiết thị trường, không định giá đất theo đuôi thị trường, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút nguồn vốn FDI.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực 1 cho biết giá đất là vấn đề trọng tâm của kiểm toán trong thời gian qua. Qua kiểm toán nhận thấy, việc xác định, phê duyệt giá đất bị chậm so với giao đất. Nhanh thì 2-3 tháng, bình thường 4-5 tháng, có dự án 2 năm sau nên xác định nộp ngân sách bị ảnh hưởng.