Ứng xử với 'phim mạng'
Những ngày qua, lình xình từ bộ phim Đất rừng phương Nam thu hút nhiều ý kiến từ dư luận, để rồi Cục Điện ảnh cũng đã phải lên tiếng. Từ chuyện này, người ta lại “bàn tiếp” về phim trên không gian mạng với quá nhiều bất cập. Ai cho phép? Ai kiểm soát? Ai quản lý? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra đợi câu trả lời.
Nhìn chung, phim chiếu rạp chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch); phim truyền hình chịu sự kiểm duyệt của các đài truyền hình, thì phim chiếu trên mạng có cảm giác như không chịu một sự kiểm soát nào.
Hàng loạt các ứng dụng để xem phim trên mạng suốt nhiều năm qua, trong đó có thể kể đến Netflix, Apple TV+, Prime Video, Viki, Galaxy Play, Zing TV, MyTVNet... và cả những trang web “địa chỉ đen” khiến cho phim trên mạng diễn ra rất sôi động và phức tạp. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 11/2020, Việt Nam có khoảng 35 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ xem trực tuyến với khoảng 14 triệu thuê bao và có tổng doanh thu lên tới 9.000 tỷ đồng. Riêng nền tảng Netflix đã có khoảng 3,5 triệu người dùng.
Có thể thấy xu thế phim trên không gian mạng ngày một lan rộng. Chỉ với chiếc điện thoại hay máy tính kết nối mạng thì dù ở bất cứ đâu, người ta đều có thể xem được những bộ phim mới nhất, bất chấp khoảng cách biên giới, địa lý, thành thị hay nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đáng chú ý, có nhiều phim với nội dung thiếu lành mạnh, thậm chí vi phạm luật, lạm dụng hình ảnh bạo lực, khêu gợi, hành vi phản cảm... tác động xấu đến nhận thức, tâm lý, thẩm mỹ người xem, nhất là giới trẻ.
Việc kiểm soát phim phát tán trên mạng đã được đặt ra, “tiền kiểm” hay “hậu kiểm”? Tiền kiểm nghĩa là cơ quan chức năng kiểm duyệt trước, nếu thấy được mới cho phép tung lên mạng. Hậu kiểm có thể hiểu là do số lượng quá lớn không thể duyệt hết nên cứ để phim đưa lên mạng, khi thấy có vấn đề thì yêu cầu dỡ xuống.
Có thể nêu một vài ví dụ. Tại Hàn Quốc, từ năm 2012, các phim, hay MV (music video), Game show đều phải chịu sự kiểm duyệt trước khi đăng tải trên internet. Các bộ phim sản xuất trong nước và nước ngoài đều phải qua kiểm duyệt, cấp phép của cơ quan quản lý mới được trình chiếu trên mạng. Tương tự, tại Trung Quốc, các phim muốn đăng tải trên mạng phải được cơ quan nhà nước cấp phép thông qua Hiệp hội dịch vụ Netcast - một cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ được trao quyền để kiểm duyệt, xử phạt các website có dấu hiệu vi phạm. Hay tại Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu nhà mạng chặn quyền truy cập với những bộ phim có nội dung mà nước này cho là không phù hợp.
Ở nước ta, quy định cụ thể về kiểm duyệt phim chiếu trên mạng vẫn còn là vấn đề. Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2009) mới chỉ đề cập bước đầu về việc khai thác, phổ biến phim trên môi trường internet.
Do nhiều nguyên nhân, ở lĩnh vực quan trọng này có thể thấy sự bối rối của các đơn vị quản lý. Đã có một vài vụ xử lý nhưng vẫn mang tính “chạy đuổi”, khi dư luận lên tiếng thì mới vào cuộc xem xét, xử lý.
Việc này dẫn tới sự thiếu công bằng trong chính thị trường điện ảnh. Trong khi phim chiếu rạp chịu sự kiểm duyệt của cơ quan quản lý nhà nước thì phim chiếu trên mạng... như không. Người ta đã “bão hòa” với phim trên mạng nên phim chiếu rạp bị thu hẹp lượng khán giả.
Tháng 3/2022, khi thảo luận về Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại phiên họp thứ 9, phần lớn các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc bổ sung những quy định liên quan đến trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm với “phim mạng”. Điều đó cho thấy phim phổ biến tràn lan trên không gian mạng đã thực sự trở thành vấn đề trong đời sống xã hội. Nếu vẫn loay hoay tìm biện pháp xử lý, hoặc là chỉ “ra tay” với một vài trường hợp đơn lẻ khi xã hội phản ứng thì cũng chỉ như muối bỏ biển.
Vẫn biết đây là vấn đề khó, nhưng khó cũng phải làm vì nó có tác động mạnh mẽ tới đời sống tinh thần, nền tảng văn hóa xã hội. Trong nhiều trường hợp, nó làm thay đổi cách nghĩ, cách hành động của con người. Điều đó sẽ thật tai hại khi bằng các xảo thuật, nó gieo mầm vào phần tối của con người để mọc lên những “cây độc”.
Ứng xử đúng với “phim mạng” cũng có nghĩa là góp phần làm lành mạnh không gian mạng, điều mà xã hội đã trông đợi từ lâu.