Nguy kịch vì uốn ván
Ngày 18/10, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương thông tin về trường hợp nam bệnh nhân 53 tuổi, nhập viện trong tình trạng co giật, cứng hàm với chẩn đoán mắc bệnh uốn ván.
Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh. Trước khi nhập viện 1 tuần, bệnh nhân có nhờ người quen giúp cắt trĩ tại nhà. Sau cắt trĩ, bệnh nhân xuất hiện tình trạng cứng hàm tăng dần, khó nói, khó nuốt, khó há miệng, ăn uống kém, nhập viện tại địa phương và được chẩn đoán mắc bệnh uốn ván. Do bệnh tiếp tục trở nặng, người bệnh co giật nên được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân co giật, cứng hàm và được chẩn đoán uốn ván. Hiện bệnh nhân đang phải thở máy.
Một trường hợp khác, bệnh nhân nữ (68 tuổi, ở Sơn La), trước khi nhập viện đã bị ngã, bầm tím, xây xát da nhưng không xử trí vết thương. 3 ngày sau đó, bà bị cứng hàm, khó há miệng, sốt cao, co giật toàn thân. Bà được đưa vào cơ sở y tế địa phương, chẩn đoán mắc bệnh uốn ván.
Uốn ván là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương dưới dạng nha bào. Các vết thương có thể nhỏ như gai đâm, xước da, dập móng, ngoáy tai, xỉa răng… hoặc các vết thương to, rộng nhiều ngóc ngách gặp trong lao động, tai nạn giao thông, gãy xương hở, bỏng sâu... Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, quanh năm, ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém. Bệnh uốn ván nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể tiến triển nhanh sang tình trạng co giật toàn thân, suy hô hấp, ngưng thở. Các ca uốn ván nặng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, việc điều trị phải chăm sóc tích cực, thở máy kéo dài.
Các triệu chứng của uốn ván bao gồm cứng hàm (thường gặp nhất), khó nuốt, bồn chồn, cáu gắt, cứng cổ, cứng tay hoặc chân, đau đầu, đau họng, lưng uốn cong, độc tính co thắt, bệnh nhân gặp khó khăn khi mở hàm.
Cách phòng bệnh uốn ván là tiêm phòng đầy đủ. TS Vũ Viết Sáng - Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương quân đội 108) cho biết, mọi người đều cần được tiêm phòng uốn ván. Đặc biệt, những người có nguy cơ mắc bệnh cao như phụ nữ có thai; người làm ruộng, vườn; người làm việc ở trang trại, các nông trường chăn nuôi gia súc gia cầm; Người dọn vệ sinh chuồng trại; công nhân xây dựng công trình; người làm kỹ thuật tiếp xúc với vật sắc nhọn…
Khi có vết thương, cần được xử trí tại chỗ đúng cách. Có thể rửa vết thương dưới vòi nước sạch ngay tại thời điểm xuất hiện vết thương để loại bỏ chất bẩn ra ngoài. Nếu vết thương chảy máu và dính nhiều đất cát, nên dùng ô xy già để rửa và sát khuẩn vết thương và cầm máu. Sau đó rửa lại vết thương bằng nước xà phòng rồi lau khô, sát khuẩn bằng cồn. Với vết thương có dị vật cần cần rửa sạch, lấy dị vật ra, vệ sinh băng bó lại vết thương. Người có vết thương cần được tiêm huyết thanh kháng uốn ván (SAT) và tiêm phòng vaccine uốn ván bổ sung nếu trước đó chưa được tiêm vaccine uốn ván đầy đủ.