Đề nghị công nhận hơn 600 giáo sư, phó giáo sư
Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 610 ứng viên được hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2023.
Tháng 9/2023, các hội đồng GS cơ sở đề xuất 695 ứng viên đủ tiêu chuẩn xét công nhận chức danh GS, PGS với 76 ứng viên GS và 619 ứng viên PGS. Riêng ngành Khoa học An ninh và Khoa học Quốc phòng không công bố danh sách ứng viên đủ tiêu chuẩn từ hội đồng cơ sở. Qua vòng xét duyệt của hội đồng GS ngành, chỉ còn 610 ứng viên được đề nghị xét công nhận đủ tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Như vậy, ứng viên đủ tiêu chuẩn công nhận chức danh GS được hội đồng GS ngành đề xuất chỉ còn 58/76 người và PGS chỉ còn 552/619 người. So với danh sách ứng viên được hội đồng GS cơ sở đề nghị xét, có 85 ứng viên bị loại.
So với năm 2022, danh sách đề nghị xét đạt chuẩn chức danh GS, PGS từ hội đồng cơ sở năm nay tăng thêm 249 người (năm 2022 có 446 ứng viên).
Trong danh sách được hội đồng GS cơ sở đề xuất, 10 ứng viên không qua được vòng xét duyệt của Hội đồng GS ngành Kinh tế (4 ứng viên GS và 6 ứng viên PGS). Hội đồng GS ngành nêu rõ, trong số các ứng viên GS bị loại có một người thiếu hai đề tài cấp bộ; ba ứng viên không đủ phiếu tín nhiệm. Trong số các ứng viên PGS không đủ tiêu chuẩn, một người không đủ phiếu tín nhiệm; một ứng viên nộp đơn xin rút; một ứng viên thiếu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; một người không đủ thâm niên và giờ giảng dạy; một ứng viên thiếu bài báo khoa học.
Năm 2023, Hội đồng ngành Y có nhiều ứng viên không đủ tiêu chuẩn nhất với 15/82 ứng viên. Tiếp đến là Hội đồng ngành Kinh tế với 10/102 ứng viên bị loại. Trong danh sách ứng viên được các hội đồng GS cơ sở đề cử, có một số ngành “trắng” ứng viên GS như Luyện kim, Tâm lý học, liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao, Xây dựng - Kiến trúc. Có ngành “trắng” ứng viên GS hai năm liên tiếp là Ngôn ngữ học, Giáo dục học, Dược học, Văn học. Đây cũng là những ngành có rất ít ứng viên được đề nghị công nhận. Trong khi đó, liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản; Cơ học; Giáo dục; Luyện kim; Luật; Sử - Khảo cổ học - Dân tộc học; Tâm lí học có 100% ứng viên được đề xuất đủ tiêu chuẩn.
Năm 2023 xuất hiện hiện tượng một số ứng viên GS, PGS có bài báo khoa học đăng trên tạp chí tăng đột biến trong thời gian một, hai năm trước khi nộp hồ sơ xét duyệt.
Một số nhà khoa học lo ngại việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nghiên cứu khoa học có thể dẫn đến các kết quả không tích cực. PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Đối với bài báo khoa học của giảng viên, ĐH này chưa đặt ra vấn đề sử dụng AI, nhưng để có thể tham gia hoặc viết hoàn chỉnh một bài báo khoa học đối với ngành kỹ thuật hay công nghệ, những ngành học yêu cầu nhiều dữ liệu, các thuật toán, AI “chưa đủ tầm”. Tuy vậy, PGS Nguyễn Phong Điền cho hay, AI, nhất là ChatGPT hoàn toàn có thể được sử dụng viết bài báo khoa học đối với nhóm ngành khoa học xã hội và quản lý kinh tế.