Lớp học giữa bốn bề gió chướng

ĐOÀN XÁ 21/10/2023 07:00

Nằm giữa lưng chừng vách núi của đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), lớp học tình thương trên đảo là địa chỉ quen thuộc của các em nhỏ học sinh, người dân và cộng đồng.

Một lớp học ở đảo Hòn Chuối.

Dù đảo nằm cách đất liền hơn 30 cây số nhưng vượt lên nhiều khó khăn thách thức, những lớp học vẫn được duy trì dành cho nhiều thế hệ học sinh nghèo nơi đây.

Những ngày tháng mười, mùa gió chướng nổi lên, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt canh tác của người dân, nhất là những nơi đảo xa như Hòn Chuối. Và tất nhiên, gió cũng làm cho bước chân tới lớp của các em nhỏ nơi đây nhọc nhằn hơn.

Chị Phương Hoa, một cư dân trên đảo Hòn Chuối cho biết, gia đình chị ở trong đất liền nhưng hơn 5 năm trước ra đảo làm nghề nuôi cá lồng bè. “Nhà tôi ở trên lồng bè để tiện chăm sóc cá luôn. Cuộc sống trên đảo hiện nay nói chung cũng không quá thiếu thốn đâu. Điện thì kéo nhờ bên đồn biên phòng, nước thì mình trữ nước mưa còn thực phẩm thì ở đây nhiều người bán lắm. Cách một ngày lại có ghe ở Sông Đốc mang rau củ quả đồ ăn ra, đợt mưa gió thì vài ngày mới ra. Ban đầu vợ chồng tôi lo nhất là chuyện học của 2 đứa nhỏ mới 5 và 6 tuổi. Thế nhưng sau đó cả hai chị em được thầy giáo đưa vào lớp dạy chữ nên thấy an tâm lắm. Chỉ vất vả là lớp học ở lưng chừng núi, từ dưới nhà bè lên trên đó chắc tầm 300m. Mà không hiểu sao tụi nhỏ rất thích thú khi đi học, cười nói suốt vậy đó” - chị Hoa kể.

Lớp học mà chị Hoa nói là lớp học tình thương của thầy giáo, thiếu tá Trần Bình Phục đang công tác tại Đồn Biên phòng trên đảo. Đây là lớp học khá nổi tiếng và được nhiều người biết tới bởi sự bền bỉ kéo dài gần 20 năm giữa rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đã giúp nhiều thế hệ trẻ em trên đảo tiếp cận với việc học chữ. Thậm chí mấy năm trước lớp học còn được tổ chức UNESCO vinh danh là “địa chỉ nhân văn”. Và quả thực, dù đã tới lần thứ hai nhưng tôi vẫn vô cùng xúc động khi nhìn người thầy giáo mặc quân phục với nhiều em nhỏ đang tập viết, tập đọc, tập giải những bài toán, những bài học lịch sử, những trang giấy màu vẽ xanh đỏ… Có rất nhiều điều đặc biệt của lớp học này. Bởi ở độ cao hơn 100m (hơn cả tòa nhà 20 tầng) lớp học thường nóng nực mùa khô nhưng cũng rất ẩm ướt vào mùa mưa. Đặc biệt là những tháng mùa gió chướng cuối năm, gió và sương mù thường che kín các cửa sổ. Không biết có phải do nằm ở vị trí rất cao hay không mà xung quanh lớp học gió thổi rất lớn, mở cửa sổ phía nào cũng gió ù ù. Do hệ thống điện chủ yếu bằng năng lượng mặt trời nên việc học có thể bị gián đoạn nếu thời tiết không lợi. Những lúc ấy, thầy Phục đưa tất cả các học trò của mình ra ngoài cửa lớp để tập thể dục, vui chơi và “ngoại khoá” giúp các em vận động thân thể sau những tiết học căng thẳng.

Thiếu tá Trần Bình Phục cho biết hiện nay, lớp có 21 học sinh từ lớp 1 tới lớp 7. Thầy Phục bảo trước anh chỉ dạy học trò từ lớp 1 tới lớp 5 rồi để các em vào trong đất liền thi cuối cấp và học tiếp lên bậc THCS. Thế nhưng hơn hai năm qua có 3 học sinh ở đảo có nhu cầu đi học nhưng cha mẹ lại không có điều kiện cho các em vào đất liền sinh sống học tập nên thầy chấp nhận dạy cho chương trình lớp 6, 7 cho các em luôn. Chính vì vậy, lớp học của thầy Phục hiện nay có tới 3 cái bảng. Mỗi bảng dành cho một nhóm học sinh riêng và các em cũng quay về 3 phía khác nhau của lớp học.

Do đảo Hòn Chuối khá nhỏ, cư dân chủ yếu sinh sống ở các nhà bè ven đảo và khu vực cầu cảng nằm sát biển với số lượng chừng 200-300 nhân khẩu (tuỳ theo mùa nuôi cá) nên hàng ngày các em nhỏ đi học đều được cha mẹ đưa đi. Đảo chưa có đường giao thông mà chỉ có đường đi bộ dốc theo bậc thang khiến cho việc tới lớp khá vất vả.

Đang được mẹ dắt tới lớp học, cậu bé Văn Hoàng đã 7 tuổi nhưng hiện đang học lớp 1, bởi năm ngoái đang học thì cha mẹ đưa về quê nên năm nay phải học lại từ đầu. Hoàng cũng chia sẻ rất vui khi được đi học vì có thể gặp gỡ các bạn, các anh chị trong lớp. Đặc biệt, em còn cho biết ở đây không ai “trốn học” được vì nếu tới lớp muộn thì sẽ có chú bội đội tới tận nhà bắt đi học.

Chia tay lớp học, giữa tiếng sóng rì rào nơi đảo xa, những tiếng đọc bài đều đặn vẫn vang lên giữa lưng chừng núi dường như làm cho cuộc sống như vơi bớt khó khăn. Dường như lớp học không chỉ là “địa chỉ nhân văn” mà còn là nơi chắp cánh ước mơ, con chữ và tương lai của nhiều em nhỏ và gia đình các em, mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn.

ĐOÀN XÁ