Nỗi đau của làng chài
Ngày 20/10, tàu 467 của Quân chủng Hải quân đưa 2 thi thể và 80 ngư dân trên 2 tàu cá QNa 90129 TS và tàu cá QNa 90927 bị chìm ở vùng biển Trường Sa về tới đất liền trong nỗi trông chờ, đau đớn của vợ, con và người thân ở các xã Tam Hải, Tam Quang, huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam.
Khoảng 19h30 ngày 16/10, trong khi hành nghề trên biển Trường Sa, tàu cá QNa 90129 TS do ngư dân Lương Văn Viên (47 tuổi), ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành làm thuyền trưởng, trên tàu có 54 lao động hành nghề câu mực bị lốc xoáy làm chìm. 1h ngày 17/10, tàu cá QNa 90927 TS do ông Trần Công Trường (42 tuổi) làm thuyền trưởng, trên tàu có 39 thuyền viên bị sóng đánh chìm.
Sau khi 2 tàu bị chìm, gần 100 thuyền viên rơi xuống biển, nhận tín hiệu kêu cứu, các tàu cá hoạt động gần đó vớt được 80 thuyền viên, 2 người do đuối sức đã tử vong, hiện nay vẫn còn 13 ngư dân mất tích.
Lực lượng chức năng cũng đã khẩn cấp tổ chức cứu nạn. Sở Chỉ huy tiền phương đã được thành lập tại Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, huyện Núi Thành, do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh làm Trưởng ban, túc trực chỉ đạo, với sự tham gia của các lực lượng Vùng Cảnh sát biển 2, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam.
Lực lượng chức năng đã huy động 10 tàu, gồm tàu Cảnh sát biển 8002, 2 tàu Kiểm ngư, cùng các tàu của ngư dân đang hoạt động gần khu vực tiếp tục tìm kiếm người mất tích.
Thượng tá Trương Bá Long - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng cảnh sát biển 2 cho biết, ngay trong đêm 17/10, tàu Cảnh sát biển 8002 đã tiếp cận được 38 ngư dân tàu QNa 90129 bị nạn và hỗ trợ chăm sóc y tế. Nhờ đó sức khỏe của các ngư dân sớm ổn định, các đơn vị cứu hộ, cứu nạn phối hợp chặt chẽ, phân công khu vực tìm kiếm; phát huy tối đa các phương tiện, nhân lực, thiết bị trên tàu để chạy đua với thời gian tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân.
Chiều 20/10 khi được đưa về đất liền, trao đổi với chúng tôi, ngư dân Lương Văn Trọng kể lại: Sau khi xuất bến ra khơi khoảng chừng 10 ngày, tàu cá QNa 90129 TS đang trên vùng biển Trường Sa, lúc đó khoảng 20h, ngày 17/10, các thuyền viên trên tàu chuẩn bị ngủ thì bất ngờ một cơn lốc xoáy mạnh, chỉ 2 phút sau con tàu bị lật nghiêng chìm dần xuống biển. Các thuyền viên vội nắm lấy các thuyền thúng trôi nổi trên mặt biển để chờ tàu bạn cứu vớt.
Ngư dân Lương Văn Viên (thuyền trưởng tàu cá QNa QNa 90129 TS) cho biết: Chúng tôi được tàu cứu hộ 467 tiếp cận hỗ trợ về y tế, rồi được đưa về đây là quá may mắn. Nhưng giờ đây có 2 người tử nạn và 13 bạn thuyền mất tích làm sao chúng tôi có thể cam lòng. Chuyến biển này quá đau đớn đối với chúng tôi, quá đau đớn cho làng chài này. Đó cũng là tâm sự của các thuyền viên gặp nạn may mắn được cứu sống trở về.
Bà Định Thị Thọ (vợ ngư dân Đặng Tấn T., thuyền viên đang mất tích) nói trong nước mắt: Những ngày qua, 3 đưa con tôi đều ngóng tin cha. Bây giờ thấy các ngư dân về mà chồng mình chẳng biết ra sao tôi đau lòng quá, chỉ mong lực lượng chức năng sớm tìm thấy chồng tôi.
Chị Trần Thị Hằng (ở xã Tam Quang, vợ ngư dân Phạm Văn Lâm, thuyền viên trên tàu QNa 90129TS) cho biết, khi nghe tin tàu bị chìm ngoài khơi, chị hoang mang, lo lắng. Được biết trong danh sách mất tích không có tên chồng, chị mới yên tâm phần nào, 3 hôm nay không đêm nào chị chợp mắt được…
Tại buổi bàn giao các ngư dân gặp nạn, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam, các cơ quan, ban, ngành địa phương và Quân chủng Hải quân đã tặng quà cho các gia đình ngư dân với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng.
Ngư dân Lương Văn Trọng tâm tư: Anh em tôi được trở về đây thật sự đã quá may mắn. Chúng tôi chân thành gửi lời cảm ơn đến các cấp chính quyền, lực lượng chức năng quan tâm hỗ trợ đưa ngư dân gặp nạn về tới đất liền an toàn. “Rất mong các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tìm kiếm 13 ngư dân mất tích trên biển để đưa về đất liền” - anh Trọng nói.
Đại tá Đoàn Bảo Anh - Phó tư lệnh vùng 3 Hải quân cho biết, hiện tại cán bộ, chiến sĩ trên 2 Tàu 471 và 735 Quân chủng Hải quân đang phối hợp với các lực lượng ở thực địa tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm tàu cá và các ngư dân đang còn mất tích.