Khai mạc Lễ hội cà phê tỉnh Sơn La

Hoàng Sa 21/10/2023 08:32

“Arabica Sơn La - Hương vị núi rừng Tây Bắc” là chủ đề của Lễ hội cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023 được khai mạc và diễn ra trong 3 ngày tại Quảng trường Tây Bắc (TP Sơn La, tỉnh Sơn La).

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để Sơn La và các tỉnh Tây Bắc giới thiệu, quảng bá sản phẩm cà phê Arabica; tôn vinh người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cà phê; góp phần phát triển vùng trồng cà phê Arabica chất lượng cao, bền vững, nâng tầm giá trị, khẳng định vị thế cà phê Arabica Sơn La tại thị trường trong và ngoài nước; nhằm thực hiện mục tiêu liên kết các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê; đưa tỉnh Sơn La trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị đã đề ra; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Lễ khai mạc được diễn ra tại Quảng trường Tây Bắc vào tối 20/10/2023 và sẽ Bế mạc vào tối ngày 23/10/2023.

Tham dự khai mạc Lễ hội vào tối ngày 20/10/2023 diễn ra tại Quảng trường Tây Bắc (TP Sơn La) có sự tham dự của Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ; nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo Đại sứ quán Lào, Azerbaijan; đông đảo nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La, đại diện doanh nghiệp du khách.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng nhiều lãnh đạo đã có buổi làm việc và tham dự khai mạc Lễ hội.

Sơn La được biết đến là tỉnh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để canh tác cây cà phê Arabica. Ngay từ cuối những năm 1980, tỉnh đã triển khai Chương trình phát triển cây cà phê Arabica. Diện tích cây cà phê tại Sơn La được phát triển từ 278 ha năm 1990 lên trên 20.000 ha năm 2023 (chiếm 41,2% diện tích cà phê Arabica của cả nước và là tỉnh có diện tích trồng cà phê Arabica lớn nhất cả nước); trong đó có gần 18.000 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương, sản lượng đạt trên 204.000 tấn quả tươi (giá trị thu từ bán sản phẩm quả tươi ước đạt trên 2.050 tỷ đồng).

Đến nay diện tích cây cà phê Arabica của tỉnh Sơn La đã đạt tới 20.000ha.

Đến nay, tỉnh Sơn La đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê, với sự tham gia của các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Hiện nay, tỉnh đã có 2 vùng cà phê được công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 chỉ dẫn địa lý Cà phê Sơn La. Tỉnh đã thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng đưa vào hoạt động các nhà máy chế biến cà phê có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu.

Sản phẩm Cà phê Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường 20 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN với giá tiêu thụ ổn định ở mức cao; góp phần nâng cao thu nhập của người trồng, chế biến cà phê, tạo thêm việc làm, góp phần cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị cà phê tại Sơn La.

Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La diễn ra từ ngày 20-23/10, với đa dạng các hoạt động như: Gala cà phê; Hội chợ triển lãm “Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển”; Trưng bày ảnh đẹp về cà phê; Hội thảo "Phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cà phê Sơn La"; Hội thi nhà nông đua tài; trải nghiệm, khám phá tour du lịch cà phê; khai trương dây chuyền chế biến trà Cascara; khánh thành Nhà máy chế biến cà phê Sơn La; Hội thi kết nối giao thương sản phẩm cà phê...

Một số hình ảnh diễn ra trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội:

Hoàng Sa