Đông Nam Bộ cần nhiều cơ chế đặc thù để phát triển hạ tầng giao thông
Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ quý III năm 2023, diễn ra tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ngày 20/10, với sự tham dự của lãnh đạo 6 tỉnh, thành gồm TP HCM, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, tại đây đã thống nhất kiến nghị nhiều nội dung quan trọng liên quan tới hạ tầng giao thông.
Theo đó, lãnh đạo 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đều thống nhất kiến nghị nhiều nội dung quan trọng khi triển khai dự án Vành đai 3, Vành đai 4; Các nội dung liên quan cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng; tổ chức điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án vành đai, cao tốc.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trong những năm qua, giữa các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ có sự gắn kết chặt chẽ về mọi mặt, mối quan hệ giữa các tỉnh ngày càng mở rộng về các mặt kinh tế, văn hoá , xã hội. Sự phát triển của từng địa phương làm nên sự phát triển của toàn vùng và sự phát triển của vùng là động lực hỗ trợ phát triển của mỗi địa phương góp phần quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Vấn đề liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ngày càng vô cùng quan trọng.
Tại hôi nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM liệt kê nhiều vấn đề các địa phương vùng Đông Nam Bộ cần thống nhất để triển khai thực hiện trong tương lai. Cụ thể, các địa phương sẽ cùng tăng tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm; cùng nhau đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Vành đai 3, cũng như đảm bảo tiến độ về triển khai dự án đường Vành đai 4 TP HCM; tổ chức điều phối nguồn vật liệu xây dựng, đảm bảo cung cấp cho các dự án vành đai, cao tốc.
Lãnh đạo 6 địa phương Đông Nam Bộ thống nhất sẽ kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn ngân sách tham gia dự án cho các dự án xây dựng đường Vành đai 4 (hỗ trợ các địa phương vùng Đông Nam Bộ 50% vốn; Long An từ 80-90% vốn).
Ngoài ra, dự kiến sẽ tổ chức buổi làm việc chuyên đề với Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian từ ngày 10-15/11 tới đây để thống nhất phương án thực hiện. Đồng thời, triển khai trình duyệt các chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TPHCM - Thủ Dầu 1 - Chơn Thành, hoặc mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; các dự án đường sắt liên kết vùng, cũng như tăng cường kết nối giao thông đường thủy; và các nội dung liên quan Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng.
Bên cạnh đó, các địa phương vùng Đông Nam Bộ sẽ nghiên cứu đề xuất, thống nhất các nội dung liên quan đến việc xin cơ chế, chính sách đặc thù vùng Đông Nam Bộ; hoặc hướng thực hiện phối hợp trong các lĩnh vực y tế, quy hoạch, các hoạt động thương mại - du lịch, nông nghiệp và môi trường.