Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cắt băng Khánh thành Nhà máy chế biến cà phê Sơn La
Ngày 21/10, Nhà máy chế biến cà phê Sơn La (thuộc Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La) tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã được khánh thành.
Tại buổi Lễ khánh thành Nhà máy chế biến cà phê Sơn La, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến dự, tặng hoa chúc mừng, cắt băng khánh thành và tham quan dây chuyền sản xuất, chế biến của nhà máy.
Với công suất thiết kế chế biến đạt 50.000 tấn quả tươi/năm (tương đương 12.500 tấn cà phê nhân/năm), gồm dây chuyền xát ướt tiết kiệm nước tuần hoàn và dây chuyền xát khô kín không phát bụi, được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 4,1 ha. Nhà máy cà phê Sơn La gồm các hạng mục: Nhà xưởng chế biến, nhà kho thành phẩm, nhà lưới phơi cà phê, nhà văn phòng làm việc, phòng thí nghiệm kiểm soát chất lượng, nhà điều hành khu xử lý nước thải, hệ thống bể xử lý nước thải, sân phơi cà phê, đường giao thông nội bộ, cây xanh và các công trình phụ trợ; hệ thống xử lý nước thải công suất 500m3/ngày đêm, nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước sinh hoạt...
Quy trình sản xuất tuần hoàn nên toàn bộ vỏ cà phê và các phụ phẩm trong quá trình chế biến sẽ được Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ nên hứa hẹn sẽ đạt hiệu quả và đảm bảo các tiêu chí về môi trường.
Nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho hơn 100 lao động là người dân địa phương và tạo liên kết với các doanh nghiệp, HTX, các tổ hợp tác, các hộ dân thực hiện chiến lược phát triển cây cà phê bền vững đạt chứng nhận 4C, RA, Organic và chứng nhận sản xuất cà phê không gây mất rừng (EUDR), tạo ra các sản phẩm cà phê chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thông tin nhân dịp khai trương, đại diện lãnh đạo Nhà máy cà phê Sơn La cho biết: Theo dự kiến lô hàng cà phê đầu tiên từ nhà máy sẽ được xuất khẩu vào Quý I/2024. Cùng với đó, các tổ chức trong nước và quốc tế (GIZ, 4C...) cũng đang hỗ trợ, kết nối, giới thiệu các đối tác quốc tế (tại Đức và các nước châu Âu) tham gia hợp tác, tiêu thụ các sản phẩm cà phê bền vững.
Nhà máy sử dụng công nghệ xát ướt sẽ tiết kiệm nước, tuần hoàn và công nghệ xát khô kín nên không phát bụi. Vốn đầu tư cụm nhà máy (sản xuất phân bón, chế biến cà phê) khoảng 260 tỷ đồng. Hiện nay nhà máy đủ điều kiện để hoạt động theo công suất thiết kế, chất lượng sản phẩm cà phê đạt yêu cầu.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La, ông Lò Minh Hùng đánh giá cao việc Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê áp dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ, khép kín, tuần hoàn không phát thải gây ô nhiễm môi trường, góp phần giải quyết những vấn đề thách thức, bất cập trong quá trình phát triển cây cà phê của tỉnh; nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho lao động địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm, thương hiệu cà phê Arabica Sơn La trên thị trường thế giới.
Theo ông Hùng, hiện nay tỉnh Sơn La có trên 20.000 ha cà phê, sản lượng trung bình mỗi năm trên 200.000 tấn. Cây cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực, tạo việc làm, thu nhập cao và ổn định cho hàng chục nghìn hộ nông dân của của một số huyện, thành phố trong vùng quy hoạch trồng cây cà phê của tỉnh. Nhà máy chế biến cà phê Sơn La đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho chủ yếu là người dân địa phương cũng như nâng cao giá trị sản phẩm, thương hiệu cà phê Arabica Sơn La, ổn định đầu ra và cải thiện thu nhập cho nông dân.