Đổi thay trên vùng đất khó ở Phú Yên
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Phú Yên gồm 3 huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa. Đời sống đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, nhờ thực hiện kịp thời và đồng bộ các chính sách dân tộc, đời sống kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi ngày càng có nhiều thay đổi tích cực.
Để nâng cao năng lực xây dựng dự án, kế hoạch, phương án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên đã tổ chức các hội nghị tập huấn thực hiện Nội dung 1, Tiểu dự án 2, Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025.
Đến nay, 100% số xã miền núi đều có đường ô tô đến trung tâm xã và các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa… giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con được thuận lợi hơn. Các công trình thủy lợi được mở rộng, nâng cấp; xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi nhỏ. Từ đó, đáp ứng cơ bản nhu cầu tưới tiêu, trồng cây lương thực tại chỗ cho đồng bào DTTS cũng như phát triển diện tích trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày.
Sông Hinh là huyện miền núi có xuất phát điểm thấp, nhưng được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, địa phương đang tập trung nhiều chính sách để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS. Huyện đã triển khai hiệu quả chương trình xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Với chương trình này, mỗi năm huyện đầu tư 1 tỉ đồng hỗ trợ giống, kỹ thuật, một phần vật tư cho các mô hình. Từ đó, hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái theo đúng định hướng của huyện với trên 1.700 ha. Ngoài ra, 16.000 ha sắn, mía (chiếm 70% tổng diện tích các loại cây trồng hàng năm) được gắn kết với các nhà máy chế biến thông qua hợp đồng đầu tư, thu mua nguyên liệu, giúp bà con yên tâm đầu tư, sản xuất.
Tại huyện Đồng Xuân, 2 năm trở lại đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng và chuyển giao mô hình trồng ngô sinh khối cho người dân địa phương. Đây là mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao với sự liên kết, bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp. Các hộ tham gia mô hình “Sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc” được hỗ trợ 70% giá trị giống, vật tư phân bón thuốc bảo vệ thực vật; nông dân đối ứng 30%. Ngô sinh khối là cây trồng tiềm năng cho mục tiêu làm thức ăn xanh trong chăn nuôi nhờ tính ưu việt về giá trị dinh dưỡng và tổng thu năng lượng cao (dễ tiêu hóa). Với thời gian sinh trưởng ngắn, ít chịu ảnh hưởng thất thường của thời tiết so với bắp lấy hạt nên thuận lợi cho việc bố trí thời vụ. Do vậy, trồng ngô sinh khối đang được nhiều hộ đồng bào tại huyện Đồng Xuân chuyển đổi để phát triển kinh tế.
Với mục tiêu xây dựng khoảng 400 ha vùng sản xuất nguyên liệu ngô sinh khối để cung cấp thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc, từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho gia súc với diện tích 40 ha và dự định năm 2024 sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân rộng thêm 40 ha.
Sơn Hòa là huyện miền núi thuần nông của tỉnh Phú Yên với kho tàng văn hóa dân gian các DTTS đa dạng, giàu bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể. Về nghệ thuật kiến trúc có nhà dài, nhà sàn, nhà mồ. Ngành nghề truyền thống có dệt vải, đan lát, rèn, làm gốm, làm trang sức bạc, rượu cần... Chính vì vậy, thời gian qua, huyện đã chọn hướng phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống và phát triển du lịch. Đồng thời, triển khai đề án “Bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa truyền thống các DTTS gắn với hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu của đề án nhằm hướng đến tổ chức truyền dạy nghề dệt, đan lát thủ công và sử dụng nhạc cụ cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca… Nhiều nghề truyền thống của địa phương đã được khôi phục và phát triển, tạo ra các sản phẩm đặc sắc phục vụ khách du lịch. Huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi cho một số nhà đầu tư phát triển các mô hình dịch vụ phục vụ khách du lịch ở một số địa phương; đầu tư xây dựng, nâng cấp, tổ chức quản lý một số di tích lịch sử văn hóa có điều kiện thu hút khách tham quan. Đến nay, doanh thu về thương mại, dịch vụ và lượng khách tham quan, du lịch trên địa bàn huyện hằng năm đều có sự tăng trưởng khá.
Có thể thấy việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị theo Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 – 2025 đã mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi tỉnh Phú Yên.