Hà Nội: Vẫn nan giải chuyện nước sinh hoạt

PHƯƠNG CHI 22/10/2023 07:57

Mới đây vụ việc chất lượng nước sạch tại khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai, Hà Nội) bị người dân tố không đảm bảo lại dấy lên nỗi lo nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Trước đó nhiều khu chung cư tại Hà Nội cũng diễn ra tình trạng nước bẩn. Cùng với nguồn nước sinh hoạt nhiễm độc là tình cảnh người dân mệt mỏi xếp hàng mua nước sạch từ xe téc vì nhà cung cấp cắt nước… Trước thực trạng này giới chuyên gia cho rằng cần tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn nước sinh hoạt tại các khu dân cư.

Người dân khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai, Hà Nội) mang xô chậu lấy nước từ xe téc.

Theo ghi nhận từ thực tế những bất cập về nước sạch vẫn đang hiện hữu, như “cơn khát” nước sạch đang xảy ra tại khu đô thị (KĐT) Thanh Hà - nơi có 26 tòa nhà với khoảng 16.000 dân. Đến ngày 21/10, người dân vẫn phải xếp hàng chờ lấy nước từ các xe téc cấp tạm thời. Trước đó, cư dân phải sống trong cảnh nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo, gây khó thở, tức ngực, mẩn ngứa. Tương tự hồi tháng 4, cư dân tại cụm nhà HH2, chung cư Xuân Mai Complex, phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) phát hiện nước có dấu hiệu vẩn đục, lắng cặn. Công ty nước sạch Hà Đông đã đến lấy mẫu nước kiểm tra. Cùng lúc đó, Ban Quản trị chung cư cũng chủ động làm các xét nghiệm nước độc lập tại những căn hộ phản ánh, kết quả cho thấy các chỉ số nitrat, nitrit, mangan vượt ngưỡng tiêu chuẩn. Số lượng hộ dân phản ánh nước ô nhiễm chiếm 30-40% trong tổng số hơn 1.700 hộ.

Không riêng các KĐT, chung cư mới sống trong tình trạng khan hiếm nước sạch, nhiều nơi trong nội thành người dân vẫn chật vật với từng xô nước mỗi ngày.

Khoảng 10 ngày nay, người dân tổ dân phố 19, khu tập thể Đại học Hà Nội (quận Thanh Xuân) đều phải xách xô, chậu lấy nước. Do mất nước nên người dân tại khu tập thể chỉ biết trông chờ vào nguồn nước của xe téc. Bà D.T. V. (tổ dân phố 19, khu tập thể Đại học Hà Nội) cho biết: Người dân kiến nghị với Công ty nước sạch thì nhận được thông tin họ sẽ cố gắng khắc phục chứ chưa biết khi nào mới có thể cung cấp trở lại. Vậy là cứ 8 giờ sáng chúng tôi phải “canh” xe téc đến đầu ngõ rồi tất bật mang hết xô, chậu sẵn lấy nước sạch về dùng. Ngày nào chạy không nhanh chân thì hôm đó không được dùng nước sạch. Tình trạng mất nước đã xảy ra cả tháng nay, nhưng nghiêm trọng nhất là 10 ngày trở về đây, mất nước đúng là không khác gì ác mộng, nhiều gia đình phải mua từng bình nước ở cửa hàng về uống, nấu ăn, còn nước lấy ở xe téc thì chỉ để dùng rửa rau quả.

Đề cập đến vấn đề an toàn nguồn nước, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phân tích: Để cấp nước sinh hoạt phải đầu tư công trình khai thác nguồn nước từ sông, suối hay từ các giếng khoan, sau đó xử lý bảo đảm chất lượng nước sạch theo quy chuẩn cho ăn, uống, sinh hoạt của Bộ Y tế rồi mới được đưa vào hệ thống phân phối, cấp nước đến từng hộ dân.

Theo ông Châu Trần Vĩnh, những sự cố cho thấy cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ chất lượng nguồn nước từ khâu khai thác đến việc bảo đảm xử lý nước thô thành nước sạch và khâu phân phối qua hệ thống đường ống đến từng hộ dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng người dân. Đặc biệt là các đơn vị cung cấp nước sạch trong việc bảo vệ nguồn nước; theo dõi thường xuyên, quan trắc giám sát, chất lượng nguồn nước để kịp thời phát hiện những bất thường về chất lượng nước, cảnh báo và có các biện pháp cần thiết để ứng phó sự cố kịp thời. Đồng thời, cần phải rà soát lại toàn bộ các điều khoản pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt.

Trở lại với những thông tin mới nhất về nguồn nước sạch cung cấp phục vụ người dân Hà Nội. Với riêng KĐT Thanh Hà, ngày 18/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu tập trung bằng mọi biện pháp nhanh nhất cấp nước sạch sinh hoạt trở lại và có giải pháp bảo đảm ổn định lâu dài cho người dân KĐT Thanh Hà.

Ông Nguyễn Thế Công - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở đã yêu cầu các đơn vị điều tiết nước sạch để tăng sản lượng cấp về Công ty Nước sạch Hà Đông để cấp về KĐT Thanh Hà. “Quyết định chủ trương đầu tư KĐT Thanh Hà có một trạm nước ngầm 10.000 m3/ngày đêm để phục vụ nước cho KĐT. Hiện tại, trạm cấp nước này vẫn đang có trách nhiệm phải cấp nước. Để đảm bảo cấp nước ổn định, trạm cấp nước Thanh Hà phải nâng cấp, cải tạo, đảm bảo chất lượng nước theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế mới cấp cho người dân”, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội thông tin.

Liên quan tới giải pháp dài hạn cấp nước sạch chung cho Thủ đô, ông Công cho biết, Nhà máy nước sạch Xuân Mai với công suất 300.000m3/ngày đêm đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đầu tư. Nhà đầu tư cam kết cuối năm 2025 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng; Nhà máy nước sạch Sông Đà đến năm 2025 sẽ nâng công suất giai đoạn 2 lên 600.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước sạch Sông Đuống cũng sẽ nâng công suất theo quy hoạch tối đa 900.000 m3/ngày đêm; Quý I/2004, Nhà máy nước mặt Sông Hồng cũng sẽ hoàn thành với công suất là 300.000 m3/ngày đêm. Nhà máy này cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn hoàn thiện hệ thống truyền tải khung; Nhà máy nước mặt Bắc Thăng Long (Vân Trì) cũng nâng công suất lên 200.000 - 250.000/m3/ngày đêm.

Tuy vậy, trước mục tiêu đến năm 2025 Hà Nội sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, giới chuyên gia khuyến cáo nếu không có những giải pháp điều chỉnh kịp thời sẽ rất khó hoàn thành cam kết và người dân vẫn từng ngày mong mỏi dứt cơn khát nước sạch.

PHƯƠNG CHI