Bản nghèo chờ an cư
Năm 2018, sau trận lũ quét tràn qua Xa Lung sau gây thiệt hại lớn về kinh tế, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu UBND huyện Mường Lát và các ban ngành liên quan khẩn trương rà soát, lập dự án di dời người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới. Nhưng đến thời điểm này dự án với nhiều hy vọng của bản người Mông Xa Lung vẫn nằm trên giấy.
1.Mường Lý mùa này không còn những cơn mưa xối xả, lê thê. Trời trong xanh, trải một thứ nắng hươm vàng phủ lên khắp bản làng, núi đồi trùng điệp. Từ trung tâm xã, theo Tỉnh lộ 16 - con đường được trải một lớp đá ngược về phía bản Xa Lung. Bám hai bên đường là những mái nhà tềnh toàng, vài đám trẻ lem luốc ngồi bên mớ ngô bắp đã được tách vỏ, phơi bên rìa lộ… Không điện lưới, kinh tế tự cung, tự cấp đã khiến bản người Mông này như biệt lập với bên ngoài.
Nhà Trưởng bản Sùng A Sểnh nằm chênh vênh trên một mom đồi ngay đầu con đường dẫn vào bản. Đón tôi ở bậu cửa, A Sểnh nói, lâu lắm rồi mới có khách dưới xuôi ghé lại bản đấy! Bản mình xa và nghèo quá mà.
A Sểnh bảo: Chả riêng gì gia đình mình mà cả hơn 60 hộ với hơn 300 nhân khẩu tại Xa Lung đều là hộ nghèo và cái nghèo như được “di truyền” từ đời ông, cha đến đời A Sểnh vẫn chưa hết khó. Kinh tế của đồng bào người Mông ở đây chủ yếu dựa vào chút diện tích đất nông nghiệp ít ỏi trồng lúa và trồng ngô. Năm nào mưa thuận, gió hòa thì còn đủ lương thực cho 2/3 số tháng trong năm, còn không thì cầm chắc cái đói suốt quanh năm.
Hết gạo, A Sểnh và dân bản lại đeo gùi lên rừng tìm măng, nấm, săn con chuột núi đắp đổi qua ngày, chờ đến giáp hạt thì xin gạo hỗ trợ từ Nhà nước. Ở đây, gần như bà con không biết đến các hoạt động thương mại. “Đất sản xuất ít, khí hậu khắc nghiệt khiến cho việc chăn nuôi, tăng gia phát triển kinh tế cũng không thể mở mang theo các mô hình trang trại để bà con thoát nghèo. Làm gì để người Mông ở Xa Lung bớt khổ là câu hỏi khó”, giọng A Sểnh đượm buồn.
Vì mãi luẩn quẩn cái đói cái nghèo mà sự học cho con trẻ ở Xa Lung cũng không đến nơi đến chốn. Hầu hết trẻ con đều chỉ được học hết cấp 1, số ít theo được đến hết cấp 2 rồi theo cha mẹ lên nương tìm kế sinh nhai, trẻ em gái vừa bước qua tuổi dậy thì thì lấy chồng, sinh con.
A Sểnh giờ là Trưởng bản, là đảng viên của Xa Lung. Chi bộ của bản có 10 đảng viên thành ra mọi công việc đều được chi bộ họp, bàn rồi hướng dẫn bà con thực hiện, nhưng làm gì để Xa Lung bớt nghèo thì không dễ hoạch định. Cả bản hiện có 10 người đi làm ăn xa, 1 người đi xuất khẩu lao động nhưng số tiền đưa về để hỗ trợ cho gia đình chẳng thấm tháp vào đâu. Theo A Sểnh, nếu sớm được chuyển đến khu tái định cư mới “an cư, lạc nghiệp”, được Nhà nước cấp cho điện sáng thì cuộc sống bà con Xa Lung sẽ khởi sắc. Bản thân A Sểnh sẽ đầu tư mua máy xay xát để phục vụ bà con, không còn phải chở gạo xuống tận trung tâm xã. “Nếu có điện, kinh tế tự khắc sẽ khấm khá lên thôi, mình tin là thế”, A Sểnh ao ước.
2.Đã vào tiết lập Đông, nên màn đêm ở đây buông nhanh hơn. Mới 5 rưỡi chiều mà đàn trâu bò đã yên trong những ô chuồng được thưng sơ sài bằng những gióng tre nứa. Trong những nếp nhà đơn sơ ven lộ, những quầng sáng leo lét phát từ những bóng đèn điện chạy bằng tua bin càng khiến đêm ở Xa Lung thêm sâu thẳm.
Bên mâm cơm tối đạm bạc, vợ chồng nhà Mua Seo Lăng, Mua Seo Sềnh đang hối bầy con ăn cho chóng xong bữa để còn đi ngủ. Thấy có người lạ ghé thăm, Seo Lăng, Seo Sềnh ngồi khép vào một bên góc chiếu, đưa ánh mắt ái ngại nhìn khách. “Mình phải cho chúng ăn sớm, không lát nữa nước chảy yếu, tua bin không đủ sức đưa cái điện đến tận nhà đâu, lại tối thui cả", Mua Seo Lăng giải thích.
Khi câu chuyện cởi mở hơn, Seo Lăng cho tôi hay: Vì không có điện lưới Quốc gia nên về đêm, nguồn sáng của cả bản chủ yếu dựa vào mấy chiếc tua bin lắp dưới suối. Cả bản hầu như không có ti vi, tủ lạnh, việc học buổi tối của đám trẻ con cũng vì thế bị bỏ bê. Khi biết tôi là phóng viên thì câu chuyện của Seo Lăng chỉ xoay quanh câu hỏi, bao giờ người Mông ở Xa Lung được di dời đến nơi ở mới, bao giờ Xa Lung có điện…
Với người dân Xa Lung, được chuyển đến khu tái định cư mới cũng đồng nghĩa với có điện chiếu sáng, có con đường bê tông phẳng lỳ, rộng rãi chạy từ đầu bản đến cuối bản... Và hơn thế nữa, được chuyển đến khu tái định cư, bà con sẽ không còn canh cánh nỗi lo sợ sạt lở mỗi khi mùa mưa bão về. “Mình cũng như nhiều bà con dân bản khác đã từng khấp khởi hy vọng khi nghe tin có dự án di dời dân đến nơi ở mới nhưng sao mãi không thành hiện thực”, giọng Mu Seo Lăng chùng xuống.
3.Mới gần 7 giờ sáng mà Chủ tịch UBND xã Mường Lý Hà Văn Tuấn đã áo xống chỉnh tề, đón tôi ngay ở con dốc dẫn lên trụ sở làm việc của xã. Nhắc đến đời sống của đồng bào ở Xa Lung, ông Tuấn cho biết: Cả Mường Lý hiện còn 2 bản chưa có điện là bản Xa Lung và bản Trung Thắng. Theo ông, sở dĩ các bản này chưa có điện vì đây là những bản nằm trong vùng có nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao, đang chờ được di dời tái định cư. Và đây cũng là nguồn cơn khiến đời sống mọi mặt của của cộng đồng người Mông ở Xa Lung gặp nhiều khó khăn.
Ông Tuấn cho biết thêm: Năm 2018, sau khi xảy ra trận lũ quét lớn tràn qua Xa Lung và nhiều bản khác gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế cho người dân, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu UBND huyện Mường Lát và các ban ngành liên quan khẩn trương rà soát, lập dự án di dời người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới. Riêng dự án tái định cư cho người dân tại Xa Lung đã được hoạch định chi tiết, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai. “Chúng tôi hy vọng, dự án di dời, tái định cư cho người dân Xa Lung cũng như nhiều khu vực khác trên địa bàn sớm được triển khai. Tôi tin, khi bà con được di dời tái định cư, có điện lưới quốc gia, đời sống của bà con rồi sẽ đổi khác”, ông Tuấn bày tỏ.
Rồi đây cuộc sống của người dân Xa Lung sẽ khấm khá lên khi được di dời đến nơi ở mới, bởi có an cư mới lạc nghiệp. Mong cho giấc mơ của người Mông ở Xa Lung sớm trở thành hiện thực.