Bước tiến vượt bậc nghiên cứu về bộ não con người

THẾ TUẤN 22/10/2023 08:29

Ngày 20/10, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã công bố bản đồ não người lớn nhất và chi tiết nhất từ trước đến nay, trong đó có nhiều dạng tế bào mà giới khoa học chưa từng quan sát trước đó.

Hình ảnh trong phòng thí nghiệm của Đại học Monash (Australia), nghiên cứu kết nối liên vùng của não người. Nguồn: Đại học Monash.

Bộ phận “siêu hoàn chỉnh” chỉ có ở con người

“Bản đồ não người phiên bản mới cung cấp sự sắp xếp và cơ chế hoạt động nội bộ của khoảng 3.300 dạng tế bào não, và chỉ một phần nhỏ trong số này từng được khoa học ghi nhận. Việc công bố kết quả nghiên cứu trên 3 nền tảng chuyên san uy tín là Science, Science Advances và Science Translational Medicine là cần thiết để chúng ta sẽ bước những bước tiếp theo mạnh mẽ hơn về việc nghiên cứu bộ não con người phục vụ cuộc sống. Kết quả nghiên cứu đã mở ra một lĩnh vực hoàn toàn mới, cho phép các nhà nghiên cứu giờ đây có thể quan sát những dạng khác nhau của tế bào não với độ phân giải cực cao, vốn là điều không thể thực hiện trong quá khứ” - nhà thần kinh học Ed Lein của Viện Allen về Khoa học não (Mỹ) nói.

Dự án được triển khai từ năm 2017, với những nghiên cứu khác nhau nhằm mục đích phân loại những tế bào có trong não chuột, khỉ và con người. Tới nay, khoa học đã khẳng định não người là bộ phận phức tạp nhất và “siêu hoàn chỉnh” chỉ có ở con người, mà không động vật nào có được.

Trước đó, vào ngày 6/9, nhóm các nhà khoa học thần kinh của Đại học Lausanne và Trung tâm về Kỹ thuật sinh học - thần kinh ở Geneva (Thụy Sĩ) đã công bố khám phá về sự tồn tại của tế bào não mới, được coi là đã tạo nên “cơn địa chấn” trong lĩnh vực khoa học thần kinh.

Thông thường, giới khoa học cho rằng hệ thần kinh trung ương ở động vật có vú được cấu tạo từ hai dạng tế bào: tế bào thần kinh và tế bào thần kinh đệm. Trong đó, tế bào thần kinh có nhiệm vụ tiếp nhận và truyền dẫn những tín hiệu điện và hóa học khắp cơ thể, giống như là hệ thống dây dẫn trong mạch điện. Còn tế bào thần kinh đệm chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ và bảo vệ các tế bào thần kinh và dọn dẹp tạp chất xung quanh. Vai trò của chúng chẳng khác nào các thợ điện di động, đảm bảo hệ thống mạch điện trong cơ thể luôn được bảo trì và ở vị trí vốn có.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Thụy Sĩ đã sử dụng những công cụ di truyền tối tân nhất để phân tích các gene và phát hiện ra một dạng “tế bào lai” sở hữu đặc tính của cả tế bào thần kinh và tế bào thần kinh đệm. Theo Tiến sĩ Andrea Volterra, phát hiện này giúp giới khoa học đứng trước kỷ nguyên của các liệu pháp điều trị chưa từng có đối với những căn bệnh liên quan đến suy giảm nhận thức, như chứng Parkinson, Alzheimer.

Hướng tới cải thiện cuộc sống

Nghiên cứu bộ não con người được giới khoa học thần kinh đánh giá là “ngõ cụt”, thế nhưng người ta đã không từ bỏ nó. Nguyên nhân nghe chừng rất đơn giản nhưng lại rất vĩ đại, bởi vì não bộ điều khiển hành vi của con người, vì thế càng hiểu biết sâu về nó thì cuộc sống của con người càng được cải thiện.

Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Monash (Australia), cách con người suy nghĩ hoặc hành xử đều có liên quan đến hoạt động bao trùm gần như toàn bộ não. Tiến sĩ James Pang - thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận về não bộ để tập trung nguồn lực trí tuệ nghiên cứu ngày một sâu hơn. Với tư cách điều khiển mọi hành vi của con người, chúng ta cũng có thể “điều khiển” não bộ chữa trị những gene bị khiếm khuyết, loại trừ được tất cả các bệnh nan y.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Monash, bao gồm các nhà vật lý và thần kinh học, đã kiểm tra bản đồ não bộ của hơn 10.000 người khi họ đang thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Kết quả nghiên cứu giúp đưa đến kết luận sẽ sớm giúp được các bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ khi một số phần của não bị teo nhỏ.

Trong những nỗ lực vượt bậc, giới khoa học thần kinh từng nghiên cứu một số bộ óc thiên tài, mục đích xác định não của các bậc vĩ nhân có kết cấu đặc biệt hơn so với người thường hay không? Trong đó có bộ não của Albert Einstein (1879-1955), nhà Vật lý thiên tài người Đức nổi tiếng với Thuyết tương đối; Rene Descartes (1596-1650), triết gia người Pháp, người được cho là “bình minh của kỷ nguyên hiện đại”; và Carl Friedrich Gausscirca (1777-1855) là nhà Toán học và Vật lý vĩ đại người Đức.

Tuy nhiên, kết quả thu được không hé lộ hình dạng não bộ đã giúp họ trở thành những con người siêu việt. Trái lại nó cho ra một kết luận là não bộ của con người khi trưởng thành đều chứa khoảng 86 tỷ tế bào thần kinh và khoảng 84 tỷ tế bào phi thần kinh. Vấn đề đặt ra là: Phải chăng cùng xuất phát điểm như nhau một số ít người vượt lên thành thiên tài còn phần đông chỉ “đủ dùng”, là do có rèn luyện cho bộ não của mình trở nên thành thục hay không.

THẾ TUẤN