Thách thức tài chính khi đại học tự chủ

Lâm An 23/10/2023 07:00

Đó là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tại một hội thảo diễn ra cuối tuần qua tại Đà Nẵng.

Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 2022. Ảnh: NTCC.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT)đang triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh tự chủ đại học (ĐH) giai đoạn 2024 – 2030. Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn kỳ vọng đề án được phê duyệt sẽ là căn cứ tạo ra những thay đổi tích cực trong vấn đề tự chủ ĐH, các bộ, ngành cũng sẽ điều chỉnh chính sách và có lộ trình phù hợp.

“Có ý kiến nói thu cao không tuyển sinh được, đó là việc của các trường. Các trường sẽ phải cân nhắc. Cho phép các trường tự chủ thì các trường phải tự nâng cao chất lượng, nếu thu cao không tuyển sinh được sẽ phải tự chịu trách nhiệm” - GS Nguyễn Đình Đức

Vẫn vướng tự chủ tài chính

Tại hội thảo, góp ý cho Đề án, một vấn đề được nhiều đại biểu đề cập là cơ chế để ĐH tự chủ tài chính. Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng chỉ ra rằng, các trường đều đang vướng vấn đề học phí. Cụ thể, khi đăng ký tự chủ xong là bị cắt ngân sách nhưng học phí 3, 4 năm vừa rồi không được tăng gây khó khăn cho các trường. Giám đốc ĐH Đà Nẵng đề xuất các trường cần được tự chủ về học phí.

“Trường tự chủ riêng về đầu tư mua sắm cũng không khác gì nhiều so với các trường chưa tự chủ. Ngay các chính sách nộp thuế đến bây giờ vẫn chưa rõ ràng, các trường tự chủ đến bây giờ vẫn chưa biết có nộp thuế hay không”, ông Vũ nói.

Đây cũng là kiến nghị của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ông Đức cho biết, cách đây 10 năm, khi gặp Thủ tướng Chính phủ để nói về tự chủ ĐH, ông đề xuất 3 vấn đề cần giải quyết khi tự chủ là tự chủ về mức thu học phí; tự chủ về đào tạo và tự chủ về bộ máy, nhân sự. Khi đã tự chủ về tài chính, cơ sở giáo dục ĐH được cho phép xây dựng định mức kỹ thuật và tự quyết định thu.

“Có ý kiến nói thu cao không tuyển sinh được, đó là việc của các trường. Các trường sẽ phải cân nhắc. Cho phép các trường tự chủ thì các trường phải tự nâng cao chất lượng, nếu thu cao không tuyển sinh được sẽ phải tự chịu trách nhiệm” - ông Đức nêu quan điểm và dẫn chứng cũng đào tạo về công nghệ, trường khác được thu 60 triệu trong khi Trường ĐH Công nghệ chỉ được thu 20 triệu, điều này theo ông là “bất công”. Trong bối cảnh nhà nước không còn cấp tiền, học phí thấp khiến nhà trường thiếu nguồn lực để phát triển .

Cũng góp ý về vấn đề tự chủ tài chính, GS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Thái Nguyên kiến nghị đề án cần cố gắng làm rõ tài chính và bộ máy là phương tiện để đạt đến cái cuối cùng là tự do sáng tạo, tự do học thuật, cống hiến của ĐH với đất nước. Từ đây giải tỏa cách suy nghĩ cho một số bộ ngành có liên quan tới việc quản lý tiền, để họ hiểu rằng nếu tài chính và tổ chức - bộ máy thông thoáng thì trường ĐH đủ sức tồn tại.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Tự chủ ĐH đã và đang được bàn thảo trong hơn 10 năm qua, thậm chí đã được luật hóa, song trong thực tiễn có nhiều luật và văn bản pháp lý của nhiều bộ, ngành chồng chéo, bất cập. Có đại biểu cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc có một đề án về tự chủ ĐH là phù hợp nhưng sớm hay muộn cũng phải sửa Luật Giáo dục ĐH.

Cụ thể, nhiệm vụ của đề án là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và xã hội đối với cơ sở giáo dục ĐH. Trong đó đổi mới chính sách, cơ chế tài chính ĐH sẽ gồm 6 nhiệm vụ. Cân đối ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường và tiếp cận công bằng. Tăng cường hiệu quả sử dụng NSNN đầu tư cho giáo dục ĐH. Đổi mới chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Huy động nguồn lực tài chính từ doanh nghiệp, khu vực tư nhân phát triển giáo dục ĐH. Hoàn chỉnh chính sách học phí và giá dịch vụ giáo dục đào tạo. Đổi mới quản trị tài chính của các cơ sở giáo dục ĐH...

Nhấn mạnh việc triển khai xây dựng Đề án là nhiệm vụ rất cấp bách, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho biết: “Quan điểm khi xây dựng đề án tự chủ ĐH giai đoạn 2024 - 2030 là phải tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục ĐH để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu. Đây là trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội”.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết quan điểm của Bộ GDĐT là không phải tự chủ thì có thể dồn gánh nặng nguồn lực tài chính của ĐH cho học phí và không cần ngân sách nhà nước. Nguồn lực nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo. Bởi vì nhà nước có lợi ích (lợi ích công). Và tất nhiên người học cũng phải đầu tư.

Lâm An