Trong sáng môi trường học thuật
Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước đã công bố danh sách 648 ứng viên được các hội đồng giáo sư cơ sở (ngành, liên ngành) đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023. Đáng chú ý, 26/28 hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đã loại 89 ứng viên khỏi danh sách được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.
Trước đó, vào tháng 9/2023, Hội đồng chức danh Giáo sư (GS) nhà nước công bố danh sách 695 ứng viên được 26/28 hội đồng GS cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, Phó giáo sư (PGS). Danh sách này không bao gồm 2 hội đồng GS cơ sở ngành Khoa học An ninh và ngành Khoa học Quốc phòng.
Trong số danh sách ứng viên được 26 hội đồng GS cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS lần này có 89 ứng viên bị loại, bao gồm 18 ứng viên GS và 71 ứng viên PGS. Ngành có ứng viên không đủ tiêu chuẩn, bị loại nhiều nhất là ngành Y với 15/82 ứng viên (trong đó 3/9 ứng viên GS và 12/73 ứng viên PGS). So với đề nghị ban đầu, ngành này còn lại 6 ứng viên GS và 61 PGS.
Ngành Kinh tế đứng thứ 2 trong danh sách ngành có nhiều ứng viên bị loại với 10 người (trong đó có 4/10 ứng viên GS và 6/92 ứng viên PGS).
Tiếp đó, một số ngành, liên ngành khác có số ứng viên GS, PGS bị loại gồm: Điện - Điện tử - Tự động hóa, Vật lý mỗi nhóm ngành 7 ứng viên; Giao thông vận tải 6 ứng viên; Cơ khí - Động lực, Dược học, Xây dựng - Kiến trúc, Toán mỗi nhóm ngành 5 ứng viên; Hóa học - Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Nông nghiệp - Lâm nghiệp mỗi nhóm ngành 4 ứng viên.
Những ngành không có ứng viên nào bị loại là Luyện kim, Giáo dục học, Tâm lý học, Luật học, Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản.
Về việc có tới 89 ứng viên bị loại khỏi danh sách được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023, nhiều ý kiến cho rằng một số hội đồng GS cơ sở đã thiếu trách nhiệm, không nghiêm túc, chủ yếu đếm đầu "sản phẩm" mà không chú ý nhiều đến chất lượng của công trình công bố. Điều này cũng có nghĩa là đẩy trách nhiệm sàng lọc, xem xét đánh giá lên các hội đồng cấp trên.
Chính việc “dễ dãi”, “xuê xoa”, “cả nể”, “cả làng cùng vui” khi xem xét ở hội đồng cơ sở đã đưa đến việc hồ sơ của nhiều ứng viên dù không đủ điều kiện nhưng vẫn trình lên hội đồng cấp trên. Vấn đề này phải xem là nghiêm trọng vì môi trường học thuật đỉnh cao phải được tôn trọng, không thể để “lọt lưới” những người không xứng đáng.
Nhân đây cũng xin nêu một ví dụ, ấy là việc quy định ứng viên GS phải là tác giả chính đã công bố được ít nhất 5 bài báo khoa học, hoặc bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích... Với ứng viên PGS phải là tác giả chính đã công bố được ít nhất 3 bài báo khoa học. Vậy nhưng vẫn có “điều bất thường” khi có ứng viên nhận bằng tiến sĩ năm 2011, nhưng 9 năm sau đó không có công bố quốc tế. Đến năm 2021, ứng viên này có bài báo quốc tế đầu tiên. Năm 2022 có tới 10 bài và 6 tháng đầu năm 2023 công bố tới 4 bài, không khác gì một chặng đua nước rút để được phong học hàm.
Hiện tượng “thần tốc” như vậy thật khó chấp nhận trong khoa học.
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi lần xét công nhận chức danh GS và PGS thì dư luận lại ồn ào về những ứng viên. Rõ ràng vẫn còn những vấn đề cần được nhận diện và hoàn thiện hơn, để không làm giảm thêm lòng tin mà phải tạo ra sự yên tâm. GS, PGS là danh hiệu khoa học, giảng dạy cao nhất, họ còn hướng dẫn luận án cho tiến sĩ. Vì thế, phải có sự hiểu biết sâu rộng, vượt trội thực sự, không thể thiếu đi mặt chất lượng cũng như thiếu đi các giá trị học thuật khác.
Và sâu xa hơn không thể thiếu “chữ tâm” trong sáng buộc phải có của người làm công tác khoa học, giảng dạy bậc học cao.
Khi xuất hiện những GS, PGS không xứng đáng với sự liêm chính thì môi trường học thuật bị hoen ố, hệ lụy là rất lớn và lâu dài. Một khi có GS, PGS như vậy thì tất yếu sẽ cho ra lò những thạc sĩ, tiến sĩ thiếu phẩm chất.
Còn nhớ, đầu tháng 2/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng chức danh GS nhà nước có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị được lùi thời hạn báo cáo rà soát việc công nhận chức danh GS, PGS năm 2017. Theo đó, sau khi công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017, có nhiều thông tin phản ánh số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS tăng đột biến so với các năm trước. Bên cạnh đó là nhiều lo ngại về chất lượng, như không có đủ sách hoặc bài báo khoa học, không đủ thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học...
Vậy, năm nay có nên lùi việc công nhận chức danh GS, PGS lại để rà soát cho chắc chắn không? Chậm nhưng mà chắc, đặc biệt đó là môi trường học thuật đỉnh cao.