Rối nước đi tìm khán giả trẻ
Rối nước một thời từng thu hút đông đảo khán giả. Nhưng giờ đây, loại hình nghệ thuật này lại đang bị khán giả thờ ơ, nhất là khán giả trẻ. Do đó, việc bảo tồn cũng như phát triển, làm mới loại hình nghệ thuật lâu đời này để thu hút khán giả trẻ đang là sự trăn trở của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật múa rối.
Vắng bóng khán giả trẻ
Rối nước truyền thống là một món ăn tinh thần của người dân đồng bằng Bắc Bộ nói riêng, của người Việt Nam nói chung. Thế nhưng, hiện nay, có một thực trạng đáng buồn đối với loại hình nghệ thuật này là khán giả lại chẳng mấy mặn mà, nhất là thế hệ trẻ.
Quỳnh Chi - sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Em nghĩ bây giờ có quá nhiều loại hình để giải trí và có nhiều lựa chọn nên giới trẻ sẽ lựa chọn những loại hình mới mẻ hơn thay vì nghệ thuật truyền thống như múa rối nước, vì loại hình này các vở diễn nội dung thường tương tự như nhau nên mọi người cũng ít quan tâm hơn.
Còn theo chị Minh Hà - nhân viên Nhà hát múa rối Thăng Long, đối tượng chủ yếu đến mua vé tại nhà hát hiện nay thường sẽ là du khách người nước ngoài, còn những dịp lễ như 2/9 hoặc Trung thu sẽ có cả du khách trong nước nhưng cũng không chiếm đa số bằng lượng khách nước ngoài và khách du lịch.
Trong xã hội phát triển như hiện nay, văn hóa bên ngoài dễ dàng du nhập vào nước ta bằng nhiều con đường và nhiều hình thức. Cùng với đó là sự thay đổi về thị hiếu. Giới trẻ có nhiều lựa chọn hơn trong thưởng thức các loại hình nghệ thuật. Có lẽ một phần vì thế mà những môn nghệ thuật truyền thống, bao gồm múa rối nước, đang dần trở nên xa lạ với họ.
Tìm cách thu hút
Nhiều ý kiến cho rằng, để thu hút được giới trẻ đến với sân khấu truyền thống nói chung và rối nước nói riêng thì trước hết vẫn là khâu tuyên truyền. Truyền thông rất là quan trọng, nếu không quảng bá, tuyên truyền sâu rộng thì không chỉ giới trẻ mà ngay cả người lớn cũng sẽ không mấy mặn mà.
Nghệ nhân Phan Thanh Liêm, người có đam mê nghệ thuật múa rối nước cho biết, để các em nhỏ biết, hiểu về nghệ thuật truyền thống và tiếp cận tốt hơn, cần phải đưa vào các trường học từ các cấp nhỏ. Khi được giáo dục, tuyên truyền ngay từ bé sẽ giúp cho các em nhỏ sớm được trải nghiệm và có cảm hứng với nghệ thuật truyền thống nói chung và múa rối nói riêng.
Trước đây, cũng có một số nơi làm các chương trình, dự án quảng bá loại hình rối nước trong học đường nhưng lại dành cho học sinh cấp phổ thông, độ tuổi đã lớn thì hầu như là không thành công. Như vậy, nếu muốn tuyên truyền để thế hệ sau biết thì cần phải tuyên truyền từ rất sớm để giúp các em hiểu sâu hơn về nghệ thuật truyền thống. Thực trạng này không chỉ diễn ra ở thành phố mà còn cả ở nông thôn, khi giới trẻ không nghe và xem nghệ thuật truyền thống.
Bên cạnh việc diễn lại những câu chuyện truyền thống ngày xưa, để thu hút giới trẻ hiện nay, múa rối nước còn cần tìm tòi những đề tài mới, mang tính thời sự, hấp dẫn, cùng với đó là phát triển những tích trò mới để khán giả không bị nhàm chán. Cốt truyện là một yếu tố vô cùng quan trọng để múa rối nước không chỉ dừng lại ở yếu tố giải trí mà được nâng tầm lên thành những giá trị tư tưởng và nhân văn đọng lại trong lòng khán giả.
Nói về việc tạo cơ chế để thu hút khán giả trẻ đến với nghệ thuật múa rối nước, ông Liêm cho rằng, cơ chế cũng chỉ góp phần tạo động lực cho các nghệ nhân yên tâm. Điều quan trọng nhất vẫn là những người làm nghề phải thật sự tâm huyết, yêu nghề và giữ lửa đam mê với nghề thì mới níu chân được khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, thì sự đổi mới, sáng tạo là hết sức cần thiết. NSƯT Nguyễn Thế Long - Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho rằng, thời đại 4.0 có rất nhiều khoa học - công nghệ có thể áp dụng vào múa rối, ví dụ như âm thanh - ánh sáng. “Trước đây không có hệ thống đèn led để áp dụng vào những con rối, bây giờ chúng tôi đã áp dụng vào múa rối nước để làm cho loại hình này trở nên phong phú hơn, gần với khán giả trẻ hiện nay hơn để truyền tải thông điệp chúng tôi muốn gửi đến. Tuy có rất nhiều cách để đổi mới, nhưng sáng tạo vẫn phải giữ được hồn cốt của dân tộc, hồn cốt của múa rối nước” - ông Long nói.
Múa rối nước rất cần được bảo vệ và phát triển. Làm thế nào để có thể gìn giữ, lan tỏa những tinh hoa, giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc đến với công chúng nhiều hơn, đặc biệt là giới trẻ đang là câu hỏi đặt ra không chỉ cho các nghệ nhân và các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, mà còn là trách nhiệm của tất cả những người yêu mến, trân quý những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung và múa rối nước nói riêng.
Theo nghệ nhân Phan Thanh Liêm, để duy trì những giá trị truyền thống thì chúng ta cần phải phân định giữa truyền thống và hiện đại. Cái gì thể nghiệm thì thể nghiệm, những giá trị truyền thống cần phải giữ nguyên. Mỗi người xào xáo một chút, một vài năm sau những giá trị gốc của truyền thống sẽ không còn, trẻ em không biết nghệ thuật truyền thống thực như thế nào. Quan điểm của tôi là nghệ thuật có sức sáng tạo nhưng sự sáng tạo đó cần có điểm dừng, không thể đi quá giới hạn.