Nâng cao năng lực ứng phó của doanh nghiệp xuất khẩu
Theo bà Lê Thị Mai Anh (Học viện Tài chính), phòng vệ thương mại là một phần trong chính sách thương mại của các quốc gia.
Ngoài việc bảo vệ các ngành sản xuất nội địa khỏi cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) còn được sử dụng như hàng rào ngăn cản gia nhập thị trường.
Tới nay, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với những cam kết toàn diện như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Cùng đó là 3 FTA đang đàm phán để đi đến ký kết.
Các hiệp định này một mặt mở rộng thị trường, đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về những rào cản, trong đó nổi bật nhất là các biện pháp PVTM của các đối tác thương mại.
Tính đến hết năm 2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị 22 quốc gia/vùng lãnh thổ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM, với tổng cộng 225 vụ việc. Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm gỗ, cá tra, cá basa, tôm, da giày, dệt may, thép… mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, gạch men, giấy bọc thuốc lá... cũng đã bị điều tra PVTM.
Theo Bộ Công thương, cứ 5 năm 1 lần, số lượng các vụ việc tăng gấp đôi, từ 25 vụ đến 52 vụ rồi đến 109 vụ.
Các rào cản đến từ PVTM của nước nhập khẩu đương nhiên là “làm khó” cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta cần biến nguy cơ thành cơ hội ở vấn đề này. Khi mà sự va đập với thị trường thế giới sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm.
Tại hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, tháng 8/2022, đại diện Cục PVTM (Bộ Công thương) cho rằng, điểm bất cập của nhiều DN là thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có sự hiểu biết về luật pháp quốc tế để có thể theo dõi, ứng phó một cách linh hoạt với các vụ kiện PVTM. Công tác quản trị của DN nhỏ và vừa còn chậm chuyển đổi số, chưa áp dụng chế độ tài chính, chế độ kế toán theo đúng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS).
Nhân đây cũng cần nhận thấy rằng nhiều DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực xuất khẩu không nhận thức đầy đủ nguy cơ đến từ các rào cản thương mại đến từ thị trường các nước nhập khẩu. Nhiều DN nhỏ cho rằng các biện pháp PVTM chỉ áp vào các DN, tập đoàn lớn. Nhưng thực tế không phải như vậy, khi mà các rào cản được nhiều quốc gia dựng lên nhằm bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước bao gồm rất nhiều lĩnh vực, mà không phân biệt DN lớn hay DN nhỏ.
Theo giới chuyên gia, bản thân các DN xuất khẩu cần phải chủ động nâng cao nhận thức, và năng lực trong việc ứng phó với các biện pháp PVTM. Cụ thể là cần đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ PVTM và đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển dần từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng, thương hiệu.
Đặc biệt, cần chủ động phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, nguồn lực, chiến lược ứng phó trước các vụ việc liên quan đến PVTM trong tương lai. Có nghĩa là cần trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, quy định PVTM giữa Việt Nam và nước đối tác để nắm rõ nghĩa vụ và quyền lợi, chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ, dự trù thuê luật sư lúc cần thiết. Khi vụ việc bị khởi xướng điều tra, cần xem xét tham gia một cách tích cực bằng cách trả lời câu hỏi đúng thời hạn, hợp tác với cơ quan điều tra nước ngoài, tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc.
Và cuối cùng là xây dựng đội ngũ nhân lực (luật sư, chuyên gia tư vấn pháp lý…) có trình độ, năng lực, hiệu quả trong tư vấn. Khi vụ việc xảy ra, cần có sự vào cuộc sớm của đội ngũ chuyên gia có kiến thức chuyên sâu và uy tín quốc tế về PVTM, cũng như hiểu biết sâu về quy định pháp luật của chính thị trường khởi kiện.
Biến “nguy” thành “cơ”, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị về nhận thức, nguồn lực để ứng phó với phòng vệ thương mai, trước hết là để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Doanh nghiệp cần tinh nhạy hơn và chủ động xây dựng và thực thi một khung pháp lý minh bạch, công bằng trước sức ép tạo dựng rào chắn thương mại từ các thị trường có tiềm lực kinh tế.