'Ma men' sau tay lái

Ngọc Quang 24/10/2023 08:29

Chỉ trong vòng 2 tháng, từ giữa tháng 8 tới giữa tháng 10, Cảnh sát giao thông TPHCM đã phát hiện, xử lý 112.755 trường hợp vi phạm, tạm giữ 220 xe ô tô, 24.962 xe mô tô và 166 xe 3 - 4 bánh. Đồng thời ra quyết định xử phạt 67.276 trường hợp với số tiền 121 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 17.218 trường hợp. Điều đó cho thấy tình hình vi phạm giao thông vẫn rất phổ biến.

Đáng chú ý, cũng tại TPHCM, 9 tháng đầu năm nay Cảnh sát giao thông (CSGT) đã phát hiện 93.507 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; Trong đó, có 421 xe ô tô và 93.086 xe máy, tước giấy phép hơn 93.500 trường hợp. Đại diện Phòng CSGT Công an TPHCM nhấn mạnh, việc điều khiển phương tiện trong trạng thái say xỉn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, để lại những hậu quả nặng nề, thương tâm.

Việc đã uống rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện (cả ô tô lẫn xe máy) có ở hầu hết các địa phương. Ngay như Đắk Lắk, một tỉnh vùng cao, 9 tháng của năm 2023 đã phát hiện và lập biên bản 36.258 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, trong đó có 8.650 người điều khiển ô tô, xe máy bị phát hiện trong cơ thể có rượu, bia (chiếm gần 23,9% tổng số người số vi phạm). Đặc biệt trong số này có cả một số cán bộ, đảng viên.

Còn theo Cục CSGT, thống kê từ ngày 30/8 đến ngày 25/9, trong số 3.453 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, có 160 trường hợp người điều khiển phương tiện là công chức, công an, bộ đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, nhà báo… Quá trình kiểm tra nồng độ cồn nhiều tài xế do có “hơi men” đã có thái độ, lời nói thậm chí là hành động không chuẩn mực đối với cán bộ, chiến sĩ CSGT.

Dư luận rất bức xúc trước việc cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Có thể nêu một số trường hợp trong tháng 9 vừa qua: Tối 27/9, CSGT TPHCM xử phạt hành chính một người điều khiển phương tiện vi phạm. Người này đang là Phó chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự của một huyện. Tối 16/9, CSGT tiến hành xử phạt một Chủ tịch huyện, kiêm Trưởng ban an toàn giao thông huyện ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 23/9, các tổ công tác của C08 đã phát hiện xử lý 100 trường hợp vi phạm tại tỉnh Bắc Giang. Trong số 92 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn có Phó giám đốc Trung tâm Quỹ đất TP Bắc Giang và Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Bắc Giang. Tối 14/9, tổ công tác đặc biệt số 3 phối hợp với Đội CSGT - Trật tự Công an TP Phan Thiết (Bình Thuận) phát hiện một trường hợp là Bí thư huyện ủy vi phạm nồng độ cồn...

Việc CSGT tiến hành kiểm tra, xử phạt hành chính với các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn được dư luận hoan nghênh. Cán bộ, công chức, viên chức phải là những người gương mẫu, làm gương cho người khác nhưng tiếc thay một số người đã làm ngược lại. Họ là “những tấm gương mờ”, cần phải bị xử lý tăng nặng. Ở đây, cũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

“Ma men” ngồi sau tay lái đã nguy hiểm. Cán bộ, công chức, viên chức tự biến mình thành “ma men” là việc không thể chấp nhận. Đặc biệt một số người lại “cậy quyền” đe dọa cả lực lượng thi hành công vụ, tạo ra hình ảnh rất xấu. Tai nạn giao thông đường bộ ở ta vẫn rất nhức nhối, mỗi năm có tới hàng ngàn người mất đi mạng sống và còn nhiều hơn thế là số người phải mang thương tật suốt đời. Theo cơ quan chức năng, “ma men” ngồi sau tay chiếm tới hơn 40% các vụ tai nạn, trong đó có nhiều vụ gây tai nạn nghiêm trọng. Vì thế, uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông gây họa cho người khác phải coi là tội ác.

Nêu nhận xét, Luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng việc CSGT xử lý nghiêm đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn nhằm giúp cho việc nhận thức vai trò vị trí của mình để chấp hành pháp luật một cách nghiêm chỉnh hơn, gương mẫu. Nếu họ nghiêm túc tuân thủ luật thì nhiều người khác, cấp dưới sẽ không dám vi phạm.

Để kết thúc, xin được nhắc lại quy định tại Nghị định 100/2019 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức xử phạt (bằng tiền) với người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn. Theo đó, tuy theo lượng cồn, người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) sẽ bị phạt từ 2 triệu đồng đến 8 triệu đồng. Người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt từ 6 triệu đồng tới 40 triệu đồng.

Ngọc Quang