Xuất khẩu thủy sản đón 'mùa vàng'

Thanh Xuân 24/10/2023 08:28

Thông tin từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 đạt 814 triệu USD, giảm 5,2% so với tháng trước. Mặc dù vậy, càng về cuối năm, thị trường xuất khẩu càng ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan.

Cuối năm là dịp các thị trường tăng nhu cầu về sản phẩm cá tra. Ảnh: Quang Vinh.

Mức giảm thu hẹp dần

Số liệu của Tổng cục Hải quan nêu rõ, tính chung hết tháng 9, xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,1% (tương ứng giảm 1,87 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 1,17 tỷ USD, giảm 33,8%; tiếp theo là Nhật Bản đạt 1,1 tỷ USD, giảm 12,9%; Trung Quốc đạt 1,01 tỷ USD, giảm 15,9%, đây cũng là 3 thị trường xuất khẩu thủy sản “tỷ đô” của cả nước tính hết tháng 9. Ngoài ra, EU cũng là thị trường lớn với kim ngạch đạt 714 triệu USD, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong ngành hàng thủy sản xuất khẩu, tôm có đóng góp lớn nhất về kim ngạch. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 9, xuất khẩu tôm đạt 322 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mức giảm đã thu hẹp dần qua từng tháng. Lũy kế hết tháng 9, mặt hàng tôm đạt 2,5 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm gần 39% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước nói chung.

Đáng chú ý, xuất khẩu tôm trong tháng 9 có những tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan (Trung Quốc) với mức tăng trưởng dương từ 1%-54%.

Các thị trường lớn còn lại như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tăng trưởng âm từ 10%-26%, tuy nhiên mức giảm đã thấp hơn so với những tháng trước đó.

Theo phân tích của VASEP, sau kỳ nghỉ lễ dài (gồm tết Trung thu và ngày Quốc khánh) ở Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ tôm ở thị trường quan trọng này ghi nhận giảm mạnh do tồn kho cao, bởi trước đó Trung Quốc nhập khẩu nhiều tôm từ Ecuador. Trong khi đó, các công ty nắm hàng tồn kho, không muốn giảm giá bán để giải phóng hàng.

Đối với Hoa Kỳ, đây được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam khi kim ngạch tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 9. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ đạt tăng trưởng dương. Đặc biệt, tháng 9 ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất so với 2 tháng trước đó và tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái…

Những tín hiệu khả quan

Cùng với tôm, cá tra là mặt hàng xuất khẩu quan trọng hàng đầu của ngành hàng thủy sản. Thời gian gần đây, xuất khẩu cá tra đang có những tín hiệu tích cực. Tháng 9, đạt 167 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là lần đầu tiên trong năm 2023 nhóm hàng quan trọng này ghi nhận tăng trưởng dương.

Dù vậy, tính đến hết tháng 9, xuất khẩu cá tra mới đạt gần 1,4 tỷ USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực vẫn là cá tra thuộc mã 0304 (trừ sản phẩm chả cá và surimi) đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 82% tỷ trọng kim ngạch mặt hàng cá tra nói chung.

Về thị trường, tháng 9, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường chính đã ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số như Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), EU, Brazil, Mexico... Với những tín hiệu tích cực gần đây, kỳ vọng xuất khẩu cá tra sẽ có nhiều khởi sắc trong quý IV của năm 2023.

Mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác của nhóm hàng thủy sản là cá ngừ, tuy nhiên, nhóm hàng này vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Tháng 9, xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt 72 triệu USD, giảm hơn 7% so với tháng trước. Tính hết tháng 9 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 617 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.

Với những tín hiệu tích cực hơn từ các thị trường như Mỹ, Canada, Australia, nhu cầu tôm chế biến sâu có xu hướng tăng vào dịp lễ cuối năm, xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm 2023 ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu năm.

Dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng âm, song theo bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng Thư ký VASEP, thị trường đang bộc lộ những điểm sáng cho xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm.

Đặc biệt, mặt hàng cá tra trị giá tỷ USD của Việt Nam không chỉ vượt “cửa ải” kiểm soát vùng nuôi, đủ điều kiện tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ, mà còn nhận tin vui về mức thuế chống bán phá giá giảm so với năm trước. Bà Lan kỳ vọng đây là cơ sở cho các doanh nghiệp tăng giá bán ở Mỹ và các thị trường khác.

Trong khi đó, ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng nhận định, giai đoạn cuối năm với các lễ hội lớn, sau đó là Tết Nguyên đán ở châu Á sẽ giúp mức tiêu thụ tôm gia tăng, trong khi hàng tồn kho của các nhà bán lẻ đã giảm và phải nhập thêm.

Do đó, có thể coi dịp cuối năm là “mùa vàng” đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, bởi nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu đều gia tăng mạnh mẽ để phục vụ mùa lễ hội.

Cá tra và tôm là 2 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thị trường thủy sản. Việc cá tra xuất khẩu sang các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có mức tăng trưởng dương đã khiến bức tranh xuất khẩu thủy sản có thêm màu sắc tích cực. Thêm vào đó, nhu cầu thị trường cuối năm tăng cũng là cơ hội cho ngành thủy sản bứt phá. VASEP đưa ra dự kiến, xuất khẩu thủy sản trong quý cuối năm nay sẽ đạt 2,4 tỷ USD, kết quả cả năm đạt trên 9 tỷ USD.

Thanh Xuân