Châu Âu đứng trước mối lo 'già hóa'

Bảo Thư 24/10/2023 08:28

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2024, châu Âu đối mặt với làn sóng dân số già và tình trạng thiếu hụt lao động khi số người trên 65 tuổi nhiều hơn người dưới 15 tuổi.

Châu Âu bước vào thời kỳ già hóa dân số. Nguồn: AFP.

Xu hướng này đồng nghĩa với việc các nước châu Âu phải đối mặt với các thách thức về chăm sóc sức khỏe, kinh tế và xã hội. Trong nỗ lực giảm đến mức thấp nhất những hệ lụy do dân số già hóa nhanh chóng, chính phủ nhiều quốc gia châu Âu triển khai nhiều chính sách thu hút thêm lao động nước ngoài, tăng tuổi nghỉ hưu, khuyến khích tăng tỷ lệ sinh...

WHO khuyến nghị các chính phủ châu Âu đầu tư vào việc ngăn ngừa tình trạng sức khỏe kém ở người cao tuổi khi dân số đang già đi, khi trong vòng 10 năm tới số người nghỉ hưu tăng 25%.

Stephen Whiting - cố vấn kỹ thuật về Thể thao và Sức khỏe của WHO khu vực châu Âu nói, các chính phủ châu Âu cần hành động không chậm trễ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tránh gánh nặng y tế, xã hội. Theo ông Whiting, đại dịch Covid-19 cho thấy những người khỏe mạnh hơn có khả năng chống chịu bệnh tật tốt hơn trong khi số người trên 70 tuổi tử vong do dịch bệnh nhiều hơn so với các độ tuổi khác

"Đây là thời điểm thích hợp để thực sự đầu tư vào công tác phòng ngừa cho dù đó là những tình huống nào, như trường hợp khẩn cấp, đại dịch trong tương lai, các đợt nắng nóng và trường hợp khẩn cấp liên quan đến biến đổi khí hậu. Việc thúc đẩy hoạt động thể chất và chế độ ăn uống lành mạnh cho tất cả các nhóm dân cư là điều cần thiết, đôi bên cùng có lợi và đó là một sự can thiệp hiệu quả về mặt chi phí" - ông Whiting lưu ý. Đại diện WHO đề nghị những người khỏe mạnh trên 65 tuổi nên tập thể dục với nhịp điệu, cường độ vừa phải ít nhất 2,5 giờ mỗi tuần.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu tác động của dân số già hóa, WHO kêu gọi các biện pháp nhằm giúp người già duy trì và cải thiện đời sống tinh thần, sự độc lập. Phúc lợi xã hội là yếu tố quan trọng để giúp người cao tuổi có cuộc sống tốt hơn.

Trong nỗ lực giảm đến mức thấp nhất những hệ lụy do dân số già hóa nhanh chóng, chính phủ nhiều nước châu Âu triển khai chính sách thu hút thêm lao động nước ngoài, tăng tuổi nghỉ hưu, khuyến khích tăng tỷ lệ sinh... Những nỗ lực ấy là đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo TS Stephen Whiting, không thể đem tới hiệu quả “tức thì”.

Bảo Thư