Tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhà nước
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhà nước. Bảm bảo thị trường tài chính tiền tệ, khắc phục việc vốn dư tại ngân hàng thì lớn mà tiền không đưa vào sản xuất kinh doanh được.
Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 (trong đó có Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương); Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại tổ, ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, với nền kinh tế có GDP còn khiêm tốn nhưng lại có độ mở cao như nước ta, trước tình hình kinh tế-chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, nhất là cuộc xung đột Nga-Ukraine và mới đây là xung đột Israel-Hamas tác động tới quá trình phục hồi của thế giới hậu đại dịch Covid-19. Việc tăng giá trị đồng ngoại tệ mạnh, nhất là đồng USD, các thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc đang dần bị thu hẹp, phát sinh nhiều rào cản kỹ thuật tạo thách thức không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu.
Vì vậy, giá nhiều mặt hàng tăng cao gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân, đặc biệt là giá các mặt hàng như vật liệu xây dựng, vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp, xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Đây là yếu tố gây bất lợi cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân do gia tăng chi phí sinh hoạt, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp. Đại biểu kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề ra những giải pháp căn cơ cho vấn đề này. Công tác giảm nghèo, đặc biệt là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn đạt được nhiều thành công, theo đánh giá là điểm sáng được công đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, đại biểu nêu thực tế, vấn đề giảm nghèo thời gian qua còn thiếu tính bền vững và khả năng tái nghèo cao, còn tình trạng nghèo đói, thoát nghèo xong lại tái nghèo. Bên cạnh đó, khi tác động của đại dịch Covid-19 chưa giải quyết xong thì thiên tai bão lũ lại đến ngày càng thường xuyên, một bộ phận không nhỏ người dân sẽ bị tái nghèo. Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, có giải pháp toàn diện về mặt lâu dài.
Trong khi đó, ĐB Trần Đức Thuận (đoàn Nghệ An) đề nghị, Chính phủ cần tăng cường đầu tư cho lực lượng vũ trang, vì đây là đầu tư cho quốc phòng an ninh, cần thu hút các đối tượng có năng lực, trình độ cao vào phục vụ. Muốn vậy cần có cơ chế chính sách đầu tư để phát triển quốc phòng an ninh.
Theo ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi), xung đột Nga-Ukraine, cũng như các khu vực khác trong khu vực tiềm ẩn những khó dự báo khó lường, ảnh hưởng tới thực hiện kinh tế xã hội ở nước ta. Do đó cần hoàn thiện chuyển đổi số, đẩy nhanh phát triển kinh tế số. Hiện Đề án 06 đã có những bước chuyển biến tích cực nhưng không liên thông kết nối giữa các bộ ngành, việc tạo thuận lợi cho công dân còn hạn chế. Nhất là mới chỉ liên thông theo ngành dọc. Vì vậy cần liên thông cho thuận lợi hơn, chứ tới cấp xã chưa kêt nối thủ tục hành chính với nhau.
Bà Sương cũng đề nghị, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhà nước. Giải ngân ODA đang chậm. Do đó Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần bảm bảo thị trường tài chính tiền tệ, khắc phục việc vốn dư tại ngân hàng thì lớn mà tiền không đưa vào sản xuất kinh doanh được. Chưa kể còn tình trạng các ngân hàng thương mại lợi dụng giải ngân, tư vấn mua trái phiếu doanh nghiệp bảo hiểm. Nhân viên ngân hàng phải “gánh” nhiều chỉ tiêu định mức cho vay, mở thẻ nên tư vấn kèm theo gói bảo hiểm khi vay vốn. Đây là vấn đề cần phải tăng cường thanh kiểm tra.