Ngắm bảo vật quốc gia - Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử tại Bảo tàng Quảng Ninh
Hộp vàng nặng 56,44 gram (tương đương khoảng 15,04 chỉ vàng), hình dáng đóa hoa sen, có thể là đồ dùng quý trong hoàng cung.
Dẫn PV đến khu vực trưng bày bảo vật quốc gia, ông Vũ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh cho biết: Hiện, Bảo tàng đang lưu giữ và trưng bày 12 bảo vật quốc gia, được xét duyệt qua nhiều giai đoạn. Cuối năm 2018, Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử hay còn gọi là Hộp vàng hình Hoa Sen được Thủ tướng ra quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.
Trong số 12 bảo vật quốc gia đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh, Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử được khách tham quan chú ý nhiều nhất. Phương án bảo vệ đối với bảo vật này được lưu ý đặc biệt, trong đó có biện pháp phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bảo vật quốc gia.
Theo tư liệu thuyết minh của Bảo tàng Quảng Ninh, Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử được phát hiện ngày 21/6/2012 tại thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chiều ngày 21/6/2012, trong quá trình thi công mở rộng con đường “hành hương tâm linh” từ Trại Lốc lên di tích chùa Ngọa Vân, nơi vua Trần Nhân Tông hóa Phật, Đại đức Thích Quảng Hiển, trụ trì chùa Trung Tiết, trên đường cùng Phật tử đi lễ Phật tại chùa Ngọa Vân, khi đi ngang qua đây, đã phát hiện được một chiếc hộp kim loại màu vàng do máy xúc đào lộ ra từ sườn một quả đồi. Vị trí quả đồi phát hiện chiếc hộp này thuộc xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Sau khi phát hiện, Đại đức Thích Quảng Hiển đã trao chiếc hộp hình hoa sen cho UBND huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều) quản lý và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa nhà Trần tại phòng trưng bày Khu di tích đền An Sinh. Đến ngày 20/3/2015, UBND huyện Đông Triều giao lại chiếc hộp hình hoa sen cho Bảo tàng Quảng Ninh lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị của hiện vật.
Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử có chiều cao toàn thân là: 4,20cm, trọng lượng 56,44 gram (tương đương khoảng 15,04 chỉ vàng). Hộp có dáng hình cầu, thân tạo nổi 11 múi, mỗi múi giống như hình cánh sen cong tròn, khi làm xuất lộ, lưỡi gầm máy múc va chạm mạnh vào phần thân hộp làm cho thân hơi bị biến dạng.
Bản thân hình dáng của hộp là một đóa sen đang độ mãn khai. Thân hộp có chân đế tạo múi mô phỏng hình cánh sen, mặt để trơn, phần thân tạo múi liền với chân đế, thân cánh sen có trang trí văn hoa chanh (hay còn gọi là hoa liên tiền) nổi trên nền văn mây hình khánh; phần miệng thân có khớp để đậy nắp hộp vừa khít với thân.
Nắp hộp hình bán cầu, phần tiếp giáp với thân tạo 11 cánh chính là phần đầu của cánh sen, khớp với phần thân cánh sen ở phía dưới thân tạo thành lớp cánh lớn ngoài cùng; giữa nắp là đài sen được bao bọc bởi lớp cánh lớn.
Đài sen có 4 lớp cánh xếp thành vòng tròn đồng tâm, trong đó, ngoài cùng là lớp thứ nhất với 11 cánh nằm đan cài với cánh lớn, các cánh to, mập, được tạo tác với đường nét rất tinh xảo và giàu tính hiện thực. Lớp thứ hai nhỏ hơn với 33 cánh, giữa lớp cánh thứ hai và lớp cánh thứ nhất có một vòng hạt cườm và hai đường chỉ nổi, các cánh ở lớp này có kích thước nhỏ hơn nhiều so với lớp cánh thứ nhất nhưng được thể hiện rất tinh xảo và mang tính tả thực. Lớp thứ ba có 28 cánh, lớp thứ tư là lớp trong cùng có 15 cánh, các cánh ở lớp thứ ba và lớp thứ tư có kích thước nhỏ nhưng đường nét rất sắc xảo.
Chính giữa tâm nắp hộp là gương sen được tạo lõm xuống càng làm tăng khối hình cho các lớp sen bao quanh đồng thời nhìn tổng thể chiếc hộp từ trên xuống giống như một đóa sen mãn khai với nhiều lớp cánh đang khoe sắc và tỏa hương.
Căn cứ kết quả giám định của Hội đồng giám định Cổ vật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ý kiến của các nhà khoa học có thể khẳng định, Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử có niên đại thời Trần, nửa đầu của thế kỷ thứ 14. Hộp còn tồn tại nguyên vẹn, cho đến nay chưa một cá nhân hay địa phương nào ở Việt Nam phát hiện, lưu giữ được hiện vật tương tự, vì vậy Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử là hiện vật độc bản.
Ông Vũ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh cho biết: Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử là một tác phẩm phản ánh giá trị tư tưởng của thời nhà Trần; kỹ thuật và trình độ tay nghề của thợ thủ công. Các họa tiết hoa văn thể hiện trình độ thẩm mỹ, giá trị tư tưởng được truyền tải qua các hình tượng hoa văn… Đây là những thông tin quan trọng giúp chúng ta hiểu được các giá trị lịch sử, văn hóa tư tưởng và mỹ thuật của thời Trần, thời đại đã sản sinh vật phẩm này.