Bắc Giang: Đầu tư trọng điểm để giảm nghèo bền vững
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1%, riêng huyện nghèo Sơn Động giảm từ 4-5%/năm; xã đặc biệt khó khăn giảm 3,5% trở lên.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, năm 2021, toàn tỉnh có 24.639 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,27%, hộ cận nghèo là 24.516 hộ, chiếm 5,24%. Năm 2022, số hộ nghèo giảm còn 17.946 hộ, chiếm 3,81%, hộ cận nghèo còn 19.797 hộ, chiếm 4,2%. Dự kiến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn khoảng 3%.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1%, riêng huyện nghèo Sơn Động giảm từ 4-5%/năm; xã đặc biệt khó khăn giảm 3,5% trở lên.
Để hoàn thành mục tiêu này, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh dành hơn 431 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư hơn 388 tỷ đồng, còn lại ngân sách tỉnh để thực hiện 7 dự án, trong đó có một số dự án đối tượng thụ hưởng trực tiếp là các hộ nghèo như cải tạo nhà ở, đào tạo nghề, phát triển sản xuất.
Đến nay, các địa phương đã đào tạo nghề cho gần 2,3 nghìn người, trong đó hơn 1 nghìn lao động có trình độ sơ cấp. Cùng đó, từ năm 2021 đến nay có 313 hộ được hỗ trợ cải tạo, xây dựng nhà ở, hiện có 275 hộ hoàn thiện, chuyển sang ở nhà mới.
Đối với dự án phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, các địa phương đã phê duyệt được khoảng 30% dự án hỗ trợ, chuẩn bị triển khai.
Những năm qua, kết quả giảm nghèo trên địa bàn tỉnh luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tại nhiều địa phương, việc khai thác thế mạnh tự nhiên, lựa chọn cây, con giống để nhân rộng các mô hình sinh kế phù hợp đã giúp nhiều hộ nghèo tự lực vươn lên. Được biết, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh triển khai hơn 200 dự án, mô hình giảm nghèo với khoảng 49 nghìn lượt hộ nghèo tham gia. thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, tỉnh đã phát huy vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho UBND cấp xã, ban quản lý các thôn, bản quyền tự chủ cho cộng đồng trong việc thực hiện các dự án, mô hình phát triển sản xuất; thực hiện tốt phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Đặc biệt, Bắc Giang đang là điểm sáng về phát triển công nghiệp, cơ hội việc làm cho người lao động trong tỉnh lớn nên Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu người học và điều kiện thực tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.