Tăng sức cạnh tranh cho logistics

PV 25/10/2023 11:00

Giới chuyên gia nhận định, kết nối đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không một cách đồng bộ sẽ gỡ được những điểm nghẽn cho ngành logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Thúc đẩy tăng liên kết để tăng sức cạnh tranh cho ngành logistics.

Nằm ở vị trí quan trọng và là vùng kinh tế năng động nhất cả nước, vùng Đông Nam Bộ được đánh giá có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành logistics xứng tầm khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay việc kết nối đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không vẫn chưa đồng bộ, các chuyên gia cho rằng đây chính là “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ nhằm tạo động lực thúc đẩy ngành logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022 cả nước có hơn 30.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics. Trong số đó, có hơn 5.000 DN cung cấp dịch vụ logistics 3PL. Tỷ lệ DN logistics trong nước chiếm 89%, 10% là DN liên doanh và 1% là DN 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia.

Dù DN trong nước với số lượng lớn nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các DN nước ngoài. Nguyên nhân do DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa DN dịch vụ logistics với DN xuất nhập khẩu.

Tại bản tham luận đóng góp vào hội thảo khoa học “Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ với việc triển khai Nghị quyết 24-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra mới đây tại Bình Phước, PGS.TS Nguyễn Hoàng Phương và ThS Trần Nguyễn Bảo Minh (Học viên Chính trị khu vực II) cho rằng, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng Đông Nam Bộ còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ; nguồn nhân lực logistics chất lượng cao chưa đáp ứng được nhu cầu; chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất - xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics hiệu quả thấp; chưa hình thành được các trung tâm logistics quy mô lớn, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức… chính là những “điểm nghẽn” của vùng Đông Nam Bộ hiện nay trong việc phát triển hoạt động logistics.

Trong tham luận nêu rõ: “Hạ tầng giao thông đường bộ vùng Đông Nam Bộ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, đường nhỏ, hẹp, tải trọng hạn chế; việc kết nối giữa giao thông đường sắt - đường bộ - đường thủy nội địa vẫn còn thiếu; chưa có tuyến đường sắt quốc gia nối từ các trung tâm công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai đến cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải; hạ tầng giao thông kết nối giữa các cụm cảng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa bắt kịp với xu hướng phát triển của cảng biển và kinh tế - xã hội của khu vực”. Dẫn chứng trường hợp cụ thể việc hiện nay phần lớn các container xuất nhập khẩu qua cảng Bà Rịa - Vũng Tàu đều sử dụng sà lan đường thủy nội địa về TPHCM và các khu vực lân cận để thông quan; chỉ một số ít sử dụng đường bộ và làm thủ tục hải quan tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều này không chỉ tạo ra áp lực lớn lên hệ thống giao thông đường bộ tại TPHCM mà còn hạn chế nguồn thu ngân sách của các tỉnh.

Theo bà Vũ Thị Quý (Học viện Chính trị khu vực II), bối cảnh thế giới hiện nay cho thấy, có 3 xu hướng lớn trong logistics, bao gồm xu hướng bảo hộ, xu hướng số hóa logistics và xu hướng “xanh”. Những xu hướng này không chỉ chi phối ngành logistics ở những nước đã và đang có những biến chuyển bước đầu mà còn ẩn chứa cả những thời cơ và thách thức cho những nước đi sau như Việt Nam.

“Vì vậy, với mục tiêu phát triển trở thành trung tâm logistics của cả nước và khu vực, vùng Đông Nam bộ cần tập trung đầu tư, nâng cấp, mở rộng năng lực và khả năng kết nối giữa các khu vực và giữa các loại hình giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng logistics đa phương tiện; quy hoạch phát triển giao thông vùng cần lưu ý các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng vì đây là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất khi nước biển dâng” - bà Quý nêu quan điểm.

PV