Cuộc chiến với tín dụng đen
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM đã bắt giữ 4 đối tượng về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Nhóm này đã áp dụng điều kiện hết sức khắc nghiệt khi người vay phải trả góp từ 12-19 ngày liên tiếp số tiền gốc và tiền lãi, với lãi suất từ 505-805%/năm, cao gấp 20-40 lần so với pháp luật quy định. Nhiều người đã bị đày đọa khi sa vào ma trận của tín dụng đen.
Nhóm cho vay nặng lãi đã sử dụng trang mạng Facebook, Zalo... thường xuyên đăng tin quảng cáo về hoạt động cho vay, nội dung cho vay tiêu dùng, vay trả góp với slogan “A lô là có tiền”.
Nhưng đó cũng chỉ là một trường hợp, trong khi trên trên thực tế các nhóm tín dụng đen đã vươn vòi bạch tuộc ra nhiều địa phương, không chỉ ở các thành phố, gần các khu công nghiệp, trường đại học... mà tín dụng đen còn lây lan tới cả làng quê, vùng núi cao.
Cuối tháng 9 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu đã triệt phá nhóm 6 đối tượng cho vay nặng lãi. Với số vốn ban đầu hơn 1,1 tỷ đồng, các đối tượng đã cho 302 người vay, lập 939 hợp đồng vay với lãi suất dao động từ 200% đến 900%/năm. Khi bị phát hiện, số tiền vốn ban đầu cộng lãi đã lên tới hơn 7,3 tỷ đồng.
Một trường hợp khác, nhóm 15 đối tượng cho vay nặng lãi cũng đã “áp dụng” mức lãi suất tới 360%/năm. Chúng hoạt động “liên tỉnh” tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An.
Trong tất cả các trường hợp người vay tiền từ tín dụng đen đều phải chịu trả lãi rất lớn. Càng trả chậm lãi suất càng tăng cao. Đã nghèo lại càng nghèo hơn tới mức bần cùng hóa. Để đòi được tiền, các nhóm tín dụng đen không ngần ngại sử dụng các biện pháp tàn bạo để truy bức con nợ, kể cả việc tra tấn gây thương tích, dọa giết.
Như vậy, từ chỗ cho vay nặng lãi, các nhóm tín dụng đen đã kéo theo nhiều loại tội phạm khác rất nguy hiểm. Gần đây lại xuất hiện trường hợp người dân không đi vay nhưng vẫn liên tục bị "réo tên" đòi nợ, do họ có tên trong danh bạ điện thoại của người đi vay, hoặc bị người đi vay liệt kê trong danh sách các mối quan hệ như một thứ "tài sản bảo đảm" cho khoản vay. Nhiều người không vay nợ, cũng không bảo lãnh cho người khác vay, chẳng liên quan gì đến khoản vay, nhưng bị nhóm tín dụng đen nhắn tin, gọi điện thoại đe dọa, đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm nhân phẩm của cá nhân lên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber… gây áp lực để đòi nợ người vay.
Điều rất đáng nói là trong trường hợp này những người bỗng dưng bị gặp họa đều không có kỹ năng phòng vệ, phản ứng để bảo vệ bản thân mà chỉ nín nhịn. Chính vì thế, các nhóm tín dụng đen lại càng lộng hành.
Vậy, vì sao bị triệt phá nhưng tín dụng đen vẫn tồn tại và ngày càng nguy hiểm hơn? Nhiều ý kiến cho rằng, thứ nhất, là các nhóm tín dụng đen có thể cho vay những món nhỏ lẻ, giải ngân nhanh, không cần thế chấp tài sản. Và thứ hai, đối tượng tìm đến tín dụng đen là những người nghèo không đủ điều kiện vay ngân hàng, trong khi lại rất cần tiền để giải quyết vấn đề cuộc sống.
Cũng không ít người bị sập bẫy tín dụng đen do ngộ nhận đó là công ty tài chính hợp pháp làm dịch vụ kinh doanh tài chính, cầm đồ, vay trực tuyến qua app... mà không biết rằng đó là những hình thức biến tướng của hoạt động cho vay nặng lãi.
Pháp luật rất nghiêm khắc với các hành vi cho vay nặng lãi. Thời gian qua cơ quan chức năng đã tiến hành triệt phá nhiều nhóm tín dụng đen, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử, nhưng hoạt động tín dụng đen gắn với thủ đoạn, hình thức khủng bố tinh thần nạn nhân vẫn chưa được loại bỏ. Điều đó cho thấy đấu tranh với tín dụng đen là cuộc chiến đấu thực sự, để xóa bỏ tội phạm, đem lại bình yên cho cuộc sống và cứu được nhiều người đã lâm vào cảnh khốn cùng.
Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã quy định rất rõ "tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Theo đó, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (20%/năm), thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Pháp luật đã rõ. Cơ quan chức năng kiên quyết xử lý. Vấn đề còn lại là người bị hại khi vay tiền với lãi suất cắt cổ, bị các đối tượng tín dụng đen khủng bố, truy bức phải mạnh dạn tố cáo tới cơ quan công an. Còn nếu chịu nhục, tìm mọi cách để có tiền trả nợ (kể cả tự biến mình thành kẻ lừa đảo) hoặc trốn chạy, thì vấn nạn tín dụng đen sẽ ngày càng trầm trọng hơn.